Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việt Nam - Hà Lan hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

PV - 20:33, 06/12/2021

Chiều 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã có cuộc điện đàm, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hà Lan trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Thủ tướng Mark Rutte là người bạn thân thiết của Việt Nam, đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền móng và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Thủ tướng Mark Rutte là người bạn thân thiết của Việt Nam, đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền móng và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan và cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan đã hỗ trợ thiết bị vật tư y tế trị giá 40 tỷ đồng giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 gây ra; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Hà Lan về chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, văn hóa, giáo dục nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Thủ tướng Mark Rutte là người bạn thân thiết của Việt Nam, đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền móng và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước từ năm 2010. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng đều theo hằng năm mặc dù chịu tác động của COVID-19; kim ngạch thương mại 2 chiều 10 tháng năm 2021 đạt 6,79 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) từ tháng 8/2020 đã đem đến nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan mở rộng quan hệ hợp tác với kết quả là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã thành công tiếp cận thị trường EU với mức thuế suất ưu đãi.

Thủ tướng đánh giá cao việc Hà Lan là một trong những nước có hệ thống logistics phát triển hàng đầu thế giới; đóng vai trò vừa là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam trong khối EU, vừa là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Âu. Thủ tướng mong muốn Hà Lan hỗ trợ Việt Nam kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu, giúp tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này; đồng thời thúc đẩy Nghị viện Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư hai nước tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ và bền vững hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte - Ảnh: Dương Giang
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte - Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Mark Rutte đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua nhất là kết quả phòng chống dịch COVID-19, cho rằng hai nước cần phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các hoạt động đầu tư và thương mại để sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại nhanh và mạnh mẽ.

Thủ tướng Hà Lan đánh giá Việt Nam và Hà Lan đều là các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực rất lớn để thúc đẩy các biện pháp và kế hoạch đề ra. Theo đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí về các chương trình hợp tác trong thời gian tới sẽ bao gồm: Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL, khắc phục các vấn đề sụt lún, sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, biến đối khí hậu và phòng chống thiên tai liên quan đến tài nguyên nước, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại mỗi nước.

Hai Thủ tướng đã nhất trí duy trì cơ chế trao đổi thường xuyên cũng như các phương hướng hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, giáo dục, du lịch... Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Hà Lan tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Lan.

Hai Thủ tướng cùng thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ đối tác chiến lược trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Hai bên thống nhất cần tiếp tục tăng cường hợp tác công - tư giữa hai nước, phát huy các chương trình, dự án của các lĩnh vực hợp tác mà hai bên đã đạt được những kết quả khả quan trong thời gian vừa qua, tập trung vào các lĩnh vực có thể tận dụng kinh nghiệm và thế mạnh của Hà Lan, trong khi Việt Nam có nhu cầu.

Hai Thủ tướng tiếp tục trao đổi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Hà Lan trên các diễn đàn đa phương và khu vực trong đó có vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC thực chất, hiệu quả.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm lại Việt Nam. Thủ tướng Mark Rutte vui mừng nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hà Lan trong thời gian tới./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.