Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhân lực vùng đồng bào DTTS

Hoàng Quý - 07:43, 28/11/2024

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm về việc phát triển nguồn nhân lực, cũng như giải quyết việc làm, tại vùng đồng bào DTTS.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An)
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An)

Có chính sách phát triển nhân lực đồng bào DTTS

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho biết, hiện nay, ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc, bình quân khoảng 100 lao động, chỉ có 19 người đã qua đào tạo. Khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn, chỉ khoảng 13 - 16 người trên 100 lao động đã qua đào tạo. Đại đa số chưa được qua đào tạo, nên lao động DTTS chủ yếu làm việc đơn giản, thu nhập thấp.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách để phát triển nguồn nhân lực DTTS, nhằm giải quyết việc làm và tạo việc làm bền vững thông qua chương trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề dành cho đồng bào DTTS.

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm quy định tại Chương II của dự thảo Luật, trong đó về đối tượng vay vốn, đại biểu đề nghị làm rõ quy mô doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 là như thế nào. Trong dự thảo Luật cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết, nên sẽ khó có căn cứ để thực hiện trong thực tiễn.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, hộ kinh doanh có cơ sở sản xuất kinh doanh đóng tại địa bàn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang ven biển, hải đảo để tránh bỏ sót trường hợp tổ chức đơn vị sử dụng lao động có sử dụng lao động là người DTTS, nhưng không đủ số lượng để được hưởng chính sách này.

Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là thanh niên người DTTS vào các đối tượng được thụ hưởng. Bởi vì một trong những hạn chế của công tác giải quyết việc làm cho người DTTS là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, nhất là nghề phi nông nghiệp, việc làm tại chỗ hiệu quả còn thấp; việc kết nối đào tạo nghề với giải quyết việc làm hiệu quả chưa cao; nhiều lao động đã được đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với  ngành nghề được đào tạo.

Do đó, ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề, theo đại biểu cần có sự hỗ trợ việc tạo việc làm cho thanh niên là người DTTS. Chính sách này cũng nhằm thể chế hóa Kết luận 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2002 của Trung ương về nội dung tạo việc làm đào tạo nghề đối với nông dân, cư dân nông thôn, thanh niên DTTS trong đó có nêu có chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)

Bổ sung nhóm đối tượng truyền nghề truyền thống vào dự thảo Luật

Thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, đối với một số địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm nhiều đồng bào DTTS đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng. Vì trên thực tế, đối tượng truyền nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia trao truyền, giảng dạy, kĩ năng mà họ có sự kế thừa từ thế hệ trước và kinh nghiệm cá nhân.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Luật để luật hóa, từ đó ban hành các chế độ chính sách phù hợp.

Tại Điều 8 quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, góp ý vào điểm d khoản 2 Điều này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng kiến nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn là: người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân.

Tại điểm a khoản 1 Điều 23 về trình tự đăng ký lao động quy định: “Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký lao động cùng với việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội”.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động: “Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội”. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu nội dung quy định của Luật này cho phù hợp, đồng nhất với Bộ luật Lao động.

Liên quan đến Điều 58 quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu bày tỏ băn khoăn tính khả thi của quy định tại khoản 5 Điều 58 khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao bởi vì khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu. Do đó, đề nghị cần xem xét lại quy định này cho phù hợp. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này thì phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.