Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật
Đề án 977 được ban hành nhằm thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội… trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và vận động, phát huy sự chủ động, tích cực của Nhân dân trong tìm hiểu, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành, tuân theo, sử dụng pháp luật trong cuộc sống, học tập và sản xuất, kinh doanh, từng bước hình thành văn hóa thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Đề án xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, gồm: Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; đầu tư, hỗ trợ nguồn lực, công nghệ thông tin bảo đảm cho các hoạt động phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân của các cơ quan, tổ chức. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Xác định đây là những nhóm còn hạn chế về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, Đề án đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là: Kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng; nâng cao năng lực, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, thành viên của tổ chức mình; nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, hỗ trợ thông tin pháp luật, PBGDPL với từng đối tượng.
Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2023 - 2030 trong phạm vi cả nước.
Để mỗi người dân "hiểu pháp luật để sống đúng..."
Đây là một trong những phương thức bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức trước pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới, đúng theo định hướng của Đảng hiện nay.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì, theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2022 và 2023. Đồng thời, với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Hội đồng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội… triển khai các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình tổ chức triển khai, các bộ ngành, địa phương có thể liên hệ với Bộ Tư pháp để trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ bất cập, khó khăn để việc tăng cường tiếp cận pháp luật cho người dân, doanh nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Với mục tiêu "…Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là "không để ai bị bỏ lại phía sau", Đề án sẽ góp phần đưa pháp luật thực sự "đi vào đời sống", đồng thời giúp mỗi người dân "hiểu pháp luật để sống đúng, sống cống hiến và hạnh phúc".