Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS: Cần một cách làm mới

PV - 10:25, 14/08/2019

Từ năm 2014, Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định 2214/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 2214) đã được các địa phương ở khu vực Tây Nguyên tích cực triển khai và bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Nhưng để Đề án thực sự hiệu quả và tiếp tục được triển khai sau năm 2020 thì vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Quy mô không lớn

Krông Nô là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Đăk Nông. Giai đoạn 2014-2018, ngoài nguồn lực giảm nghèo do ngân sách nhà nước bố trí, thực hiện Đề án 2214. Krông Nô được thụ hưởng một số chương trình, dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) tài trợ.

Đáng kể nhất là Dự án tăng cường năng lực kinh tế cho đồng bào DTTS (Dự án 3EM) do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAT) tài trợ và Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên có vốn từ Ngân hàng Thế giới. Những nguồn lực này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện từ 18,35% (năm 2014) xuống còn 8,69% (năm 2018).

Nhưng xét tổng thể, các chương trình, dự án do NGO tài trợ ở Krông Nô chưa đạt hiệu quả cao nhất trong hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Nguyên nhân một phần là do quy mô dự án không lớn, vốn thực hiện bị phân tán.

Từ vốn Dự án 3EM, người dân ở Đăk Nông tham gia lớp tập huấn tái canh tác cây cà phê. (Ảnh tư liệu) Từ vốn Dự án 3EM, người dân ở Đăk Nông tham gia lớp tập huấn tái canh tác cây cà phê. (Ảnh tư liệu)

Lấy Dự án 3EM làm dẫn chứng, giai đoạn 2014-2016 (Dự án có thời gian thực hiện đến 31/12/2016-Pv), huyện Krông Nô được bố trí hơn 39,8 tỷ đồng để triển khai. Nhưng nguồn kinh phí này lại phân tán để thực hiện rất nhiều nội dung, bao gồm: hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển chuỗi giá trị, cho vay tài chính-tín dụng,…

Số liệu của UBND huyện Krông Nô cho thấy, năm 2014, toàn huyện có 2.224 hộ nghèo (nghèo đơn chiều) là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 70,18% tổng số hộ nghèo của huyện. Hết năm 2018, số hộ nghèo là người DTTS ở Krông Nô giảm xuống còn 1.414 hộ (giảm 810 hộ so với năm 2014), nhưng vẫn chiếm đến 86,64% (nghèo đa chiều) tổng số hộ nghèo của huyện.

Kết quả đạt thấp

Krông Nô là một trong 5 huyện, của tỉnh Đăk Nông (bao gồm: Krông Nô, Đăk G’long, Đăk R’lấp, Đăk Song, Tuy Đức) được thụ hưởng Dự án 3EM. Theo số liệu của Ban Dân tộc Đăk Nông, trong 3 năm (2014-2016), tỉnh đã thu hút được 470 tỷ đồng từ Dự án 3EM để hỗ trợ tăng cường năng lực kinh tế cho đồng bào DTTS ở 5 huyện nêu trên; bình quân đạt 94 tỷ đồng/huyện/3 năm (tương đương hơn 31,3 tỷ đồng/huyện/năm).

Nhưng Dự án 3EM cũng chỉ là điểm nổi bật nhất ở Đăk Nông trong thực hiện Đề án 2214. Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông được nêu tại Báo cáo số 971/BC-BDT ngày 14/12/2018, thực hiện Đề án 2214, trong năm 2018, tỉnh thu hút được 132 tỷ đồng (không tính vốn Dự án 3EM), trong đó có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tiếp cận vốn từ các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ góp phần hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa) Tiếp cận vốn từ các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ góp phần hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Cũng như Đăk Nông, kết quả thực hiện Đề án 2114 của một số địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên cũng không mấy khả quan. Như Kon Tum, theo Báo cáo số 234/BC-BDT ngày 04/12/2018 của Ban Dân tộc tỉnh, tính trong năm 2018, Kon Tum đã nỗ lực vận động và được 7 tổ chức NGO và 1 cá nhân cam kết tài trợ được gần 45,5 tỷ đồng. Số kinh phí này cũng được “rải mành mành” cho 17 dự án được triển khai ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Còn với Gia Lai, kế hoạch triển khai Đề án 2214 được UBND tỉnh ban hành từ tháng 7/2014; tổng kinh phí Gia Lai dự toán thực hiện Đề án là hơn 1.716,8 tỷ đồng (trong đó vốn kêu gọi tài trợ là hơn 1.713 tỷ đồng). Nhưng theo Báo cáo số 546/BC-BDT ngày 02/7/2019 của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai thì đến nay (tức là đến tháng 7/2019), tỉnh vẫn chưa vận động được vốn nên chưa triển khai Đề án 2214 (!?).

Thiếu thông tin, khó tiếp cận

Vì sao nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên lại khó vận động vốn để triển khai Đề án 2214 đến vậy? Khảo sát tại các tỉnh Tây Nguyên, một trong những nguyên nhân mà phóng viên ghi nhận được là do các địa phương thiếu thông tin về các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Hầu hết các địa phương cũng chỉ nắm được một vài địa chỉ như: WB, ADB, IFAT,…

Trong khi đó, theo công bố của Bộ Ngoại giao, hiện cả nước có đến 496 tổ chức phi chính phủ đang hoạt động.

Phải khẳng định, Đề án 2214 vẫn rất đúng và trúng với tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua. Do dó, các địa phương phải có cách làm mới, chủ động tìm hiểu các tổ chức phi Chính phủ để tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào DTTS.

SỸ HÀO