Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ: 351 vụ/328 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm có: 165,121 kg và 72 bánh heroin; 824,7 kg cần sa; 50,1 kg thuốc phiện; 1.055,67 kg và 604.129 viên MTTH (trong đó 322,4 kg ketamin); 1.300 viên chất hướng thần.
Tổng cục Hải quan đánh giá, các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy dùng các phương thức, thủ đoạn che dấu ngày càng tinh vi, lợi dụng các quy định thông thoáng của pháp luật, phương thức vận chuyển của các hãng chuyển phát nhanh, bưu điện là giao hàng tận nơi để vận chuyển ma túy qua biên giới...
Đặc biệt, các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện sử dụng các thủ đoạn ngụy trang tinh vi như: Bỏ ma túy vào ngăn giả các túi xách, bao bì, trong các lọ thuốc, thực phẩm chức năng, các hộp bánh kẹo, mỹ phẩm, trong vật dụng gia đình hoặc nuốt ma túy trong người... nhằm đối phó với sự kiểm tra của máy soi và chó nghiệp vụ của Hải quan.
Đặc biệt, khi công nghệ phát triển, việc mua bán và gửi hàng qua mạng thuận tiện, dễ dàng và phổ biến. Lợi dụng điều kiện thuận lợi của phương thức này, nhiều đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy đã tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán qua mạng, đồng thời phát triển đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia thông qua lợi dụng các loại hình vận chuyển như: chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế. Theo các hình thức vận chuyển này, đối tượng thường áp dụng phương thức, thủ đoạn như sử dụng tên giả, địa chỉ giả, số điện thoại giả... khi làm thủ tục gửi, nhận hàng hóa. Khi hàng về Việt Nam, đối tượng thường thuê hoặc nhờ người đi nhận hàng; hoặc ủy thác cho công ty chuyển phát nhanh thay mặt làm thủ tục hải quan, sau đó giao hàng về địa chỉ được chỉ định.
Một vụ điển hình tinh vi là vụ “tem lưỡi” bị bắt giữ tại Hà Nội. Đối tượng vi phạm đã đặt mua số hình ảnh bằng giấy (bao gồm 500 tem nhỏ) khối lượng 8,4g và nhiều tang vật liên quan khác trên mạng, được bên bán đóng gói trong bì thư gửi từ Hà Lan qua Thẩm Quyến (Trung Quốc), sau đó vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không (theo loại hình bưu chính). Chất LCP-LSD hàm lượng 150mcg, có tác dụng gây ảo giác tương tự chất ma túy LSD có trong “tem lưỡi”, được phun, tẩm trên giấy thấm, có thể xé thành các tem nhỏ để sử dụng.
Hiệp đồng phá án
Từ việc nhận diện các thủ đoạn buôn bán, vận chuyển ma túy của tội phạm, ngành Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn, với thủ đoạn rất tinh vi. Trong những vụ án này, nếu không có sự hiệp đồng đánh án của các lực lượng chức năng thì rất khó điều tra, bắt giữ.
Đơn cử, ngày 21/12/2020, tại Hải Phòng, các lực lượng phối hợp gồm PC04, PC03 - Công an TP. Hải Phòng chủ trì, phối hợp Cục Hải quan TP. Hải Phòng khám vỏ container số TCLU8956325 thuộc lô hàng do Công ty CPTM Takan Việt Nam làm thủ tục theo tờ khai số 103717529050/A11 ngày 12/12/2020. Tang vật thu được 665,2 kg nhựa cần sa.
Hay như Chuyên án HK668, ngày 19/5/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) bắt giữ 5 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam, thu giữ khoảng 180 kg Ketamine được cất giấu trong các máy mô tơ điện. Mở rộng điều tra, Ban Chuyên án tiếp tục thu giữ 100 kg ketamine được cất giấu trong các thùng xốp chứa dạ dày lợn đông lạnh, chuẩn bị vận chuyển đi Trung Quốc để tiêu thụ.
Hoặc có thể kể đến Chuyên án HP322, ngày 06/4/2022 tại 913 Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân, Hải Phòng). Cục Hải quan TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04) - Công an TP. Hà Nội; Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy KV Miền Bắc (Đội 5) - Cục ĐTCBL bắt giữ 02 đối tượng vận chuyển ma túy qua Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài từ Cộng hòa Séc về Hà Nội và giao đi Hải Phòng; tang vật thu được 47,158 kg ma túy tổng hợp MDMA và 956,7 kg Ketamine.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, trước bối cảnh dịch COVID-19 và những thách thức mới đối với công tác phòng chống ma túy, lực lượng Hải quan càng nhận thức rõ yêu cầu về việc nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tham mưu cũng như trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, công tác phòng chống ma túy nhất thiết phải đổi mới nhằm thích ứng và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới khi toàn ngành hải quan xây dựng và triển khai mô hình Hải quan số, quản lý biên giới thông minh theo mục tiêu Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Trong đó, ngành Hải quan xác định phải tăng cường các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao năng lực của lực lượng Hải quan chuyên trách phòng chống ma túy theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và khai thác, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống ma túy; thúc đẩy quan hệ phối hợp, hợp tác giữa cơ quan hải quan với lực lượng chức năng trong nước và với cơ quan Hải quan nước ngoài, tổ chức quốc tế trong đấu tranh đẩy lùi tội phạm về ma túy và kiểm soát hiệu quả hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.