Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Tăng cơ hội phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS

PV - 14:41, 15/07/2019

Do những thay đổi về cơ chế chính sách, sự chuyển mình của nền kinh tế, các chính sách theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg đã không còn phù hợp, cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc rà soát, tích hợp, bãi bỏ chính sách theo hướng cho không, tăng chính sách theo hướng hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn, sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận chính sách, khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Hiệu quả bước đầu của việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp là một minh chứng.

Tăng cơ hội tiếp cận vốn phát triển sản xuất góp phần giúp đồng bào DTTS vươn lên làm giàu. (Trong ảnh: Một góc xã vùng III Phi Liêng, huyện 30a Đam Rông, Lâm Đồng) Tăng cơ hội tiếp cận vốn phát triển sản xuất góp phần giúp đồng bào DTTS vươn lên làm giàu. (Trong ảnh: Một góc xã vùng III Phi Liêng, huyện 30a Đam Rông, Lâm Đồng)

Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn được ban hành theo Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi nhân khẩu thuộc hộ nghèo ở vùng ĐBKK được hỗ trợ 100 nghìn đồng/người/năm; ở vùng khó khăn thì được hỗ trợ 80 nghìn đồng/người/năm.

Sau 9 năm thực hiện (2009-2018), chính sách đã phần nào hỗ trợ kịp thời cho hàng triệu hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên cả nước có thêm kinh phí để trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng do định mức hỗ trợ thấp, không được điều chỉnh, chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn, một số hộ nghèo sử dụng kinh phí không đúng mục đích nên hiệu quả chính sách không như mong đợi. Nhất là ở những địa bàn ĐBKK, có đông đồng bào DTTS sinh sống thì số tiền hỗ trợ như “muối bỏ biển”.

Ông Thân Hùng Mạnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, Đam Rông là huyện 30a duy nhất của tỉnh, dân số là đồng bào DTTS chiếm hơn 73% (chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ-ho, Mạ, M’nông). Trong thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp, hàng trăm nghìn hộ nghèo là đồng bào DTTS đã được hỗ trợ bằng tiền mặt theo đúng định mức quy định, nhưng cơ bản hiệu quả không cao.

“Lấy ví dụ một hộ nghèo có 4 nhân khẩu thì mỗi năm hộ đó được hỗ trợ 320 nghìn đồng. Nhưng số tiền này chẳng thể giải quyết được gì. Có không ít gia đình, chồng đi nhận thay cả nhà tiền hỗ trợ, xong đem đi uống rượu hết”, ông Mạnh chia sẻ.

Dẫn chứng mà ông Mạnh nêu là một thực tế. Nhưng đó chỉ mới tính ở góc độ một hộ nghèo có 4 nhân khẩu thì ngân sách nhà nước chỉ phải chi 320 nghìn đồng. Nhưng tính chung cả hàng triệu hộ nghèo trên cả nước, triển khai hỗ trợ trong nhiều năm thì số tiền mà ngân sách nhà nước đã chi để thực hiện chính sách là không hề nhỏ. Theo thống kê, trong gần 9 năm thực hiện chính sách, hơn 40 triệu lượt người đã được hỗ trợ trực tiếp; vị chi kinh phí thực hiện đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trước thực trạng đó, năm 2018, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-TTg để bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/1/2019. Chỉ sau hơn nửa năm bãi bỏ, nguồn lực được chuyển tiếp từ chính sách hỗ trợ trực tiếp đã giúp người dân ở địa bàn khó khăn thêm cơ hội phát triển sản xuất.

Lấy tỉnh Lâm Đồng làm dẫn chứng, bình quân mỗi năm, tỉnh được bố trí hơn 3,5 tỷ đồng để thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg. Năm 2018, kinh phí này được sử dụng để hỗ trợ 33.962 nhân khẩu sinh sống ở xã khu vực II (80 nghìn đồng/người/năm) và 7.778 nhân khẩu ở xã khu vực III (100 nghìn đồng/người/năm). Từ 01/1/2019, bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp, tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tiếp kinh phí từ chính sách này sang thực hiện chính sách trợ giá giống cây trồng. Nhờ đó, trong năm 2019, thực hiện chính sách trợ giá giống cây trồng, tỉnh đã bố trí được hơn 11,4 tỷ đồng, tăng gần 1,1 tỷ đồng so với năm 2018.

Với nguồn vốn tăng thêm này, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ thêm nhiều cây giống để hộ nghèo phát triển sản xuất. Trong đó, riêng các loại cây ăn quả, tỉnh đã chi kinh phí hỗ trợ cây giống cho diện tích 1.050ha, với kinh phí 3,48 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các loại cây giống như ngô, dâu tằm, lúa, điều, mắc ca,… để người dân đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập.

Từ thực tế ở tỉnh Lâm Đồng có thể thấy, việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp đã bước đầu đem lại hiệu quả. Đặc biệt, bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp đã tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo để lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình chính sách dân tộc khác, đặc biệt là các chương trình, chính sách đang thực hiện tại vùng ĐBKK nhưng chưa được bố trí vốn. Đây là một định hướng quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới.

SỸ HÀO