Tuy nhiên, vấn đề trăn trở là liệu số lượng trợ giúp viên pháp lý có đủ để đáp ứng yêu cầu mở rộng đối tượng trợ giúp hay không?
Để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) 2017, ngày 10/1/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 104/BTP-TGPL quy định chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) năm 2018. Theo đó, TGVPL được bổ nhiệm dưới 3 năm phải có từ 4-8 vụ việc tham gia tố tụng/năm thì đạt chỉ tiêu; TGVPL được bổ nhiệm từ đủ 3 năm đến dưới 5 năm phải có 8-11 vụ việc, được bổ nhiệm từ đủ 5 năm trở lên là 11-17 vụ việc.
Khoản 1 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 cũng quy định, TGVPL không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 2 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan, sẽ bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ TGVPL.
Trước đó, theo hướng dẫn triển khai Luật TGPL năm 2015 của Bộ Tư pháp, để đạt chỉ tiêu thì TGVPL được bổ nhiệm dưới 3 năm phải thực hiện ít nhất từ 4-7 vụ việc tố tụng/năm; từ 3 năm đến 5 năm thực hiện ít nhất từ 7-10 vụ việc tố tụng/năm; trên 5 năm thực hiện ít nhất từ 10-15 vụ việc tố tụng/năm.
Xu hướng tăng chỉ tiêu vụ việc đối với TGVPL là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện đối tượng TGPL được mở rộng theo Luật TGPL năm 2017, hướng đến các nhóm đối tượng yếu thế. Hơn nữa, số liệu của Cục TGPL (Bộ Tư pháp) cho thấy, những năm gần đây, số lượng vụ việc TGVPL tham gia tố tụng tăng dần hằng năm; năm 2016 tăng 1.985 vụ so với năm 2015, năm 2017 tăng 1.077 vụ so với năm 2016.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là số lượng TGVPL hiện nay chưa đáp ứng đủ yêu cầu mở rộng đối tượng được TGPL theo Luật TGPL năm 2017. Theo số liệu của Cục TGPL, hiện cả nước có 572 TGVPL (490 người đã qua đào tạo nghề luật sư, 63 người được miễn đào tạo nghề luật sư); trung bình 9 TGPL/Trung tâm TGPL. Trong đó, 26 tỉnh, thành phố có từ 10 TGVPL trở lên (chiếm 41,27%); 29 tỉnh, thành phố có từ 5-9 TGVPL (chiếm 46,03%) và 8 tỉnh, thành phố có dưới 5 TGVPL (chiếm 12,7%).
Chính vì số lượng TGVPL quá ít nên số lượng vụ việc mà mỗi TGVPL tham gia là rất lớn. Như tỉnh Lai Châu, Trung tâm TGPL tỉnh này chỉ có 5 TGVPL nên trung bình hằng năm, mỗi người tham gia tố tụng là 120 đến 130 vụ việc. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng TGPL cho người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa.
Còn tại Lạng Sơn, theo bà Hoàng Thúy Duyên, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, khó khăn hiện nay khi thực hiện vụ việc tố tụng vẫn nằm ở nhân lực. Với địa phương có 70% người dân là đối tượng thuộc diện TGPL như ở Lạng Sơn thì để bảo đảm đội ngũ TGVPL tương xứng về lượng và chất cũng không hề dễ dàng. Chưa kể, những khó khăn trong việc phối hợp với các cơ quan tố tụng để nâng cao chỉ tiêu thực hiện vụ việc của TGVPL.
Theo quy định hiện hành thì TGVPL phải là viên chức Nhà nước, đang công tác tại các Trung tâm TGPL tỉnh/thành phố và các Chi nhánh TGPL. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho việc tăng số lượng TGVPL rất khó thực hiện.
Chính bởi vậy, bên cạnh việc tăng chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng đối với mỗi TGVPL thì việc xã hội hóa TGPL (tăng cường số lượng CTV TGPL) là hết sức cần thiết. Bởi hiện nay, nhu cầu TGPL, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, là rất lớn.
KHÁNH THƯ