Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tân Yên (Bắc Giang): Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Xuân Hải-CĐ - 12:37, 05/10/2021

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua Đảng bộ và Nhân dân Tân Yên luôn chú trọng thực hiện các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những kế hoạch, đề án phát triển của địa phương về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó góp phần xây dựng Tân Yên ngày càng phát triển và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) long trọng tổ chức Hội Cầu Vồng lần thứ IV và khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VIII, năm 2017 với chủ đề “Đất lưu truyền văn võ - Xuân hội tụ anh hùng”. 
UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) long trọng tổ chức Hội Cầu Vồng lần thứ IV và khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VIII, năm 2017 với chủ đề “Đất lưu truyền văn võ - Xuân hội tụ anh hùng”. 

Khai thác tiềm năng vùng đất giàu lịch sử cách mạng 

Trải qua các thời kỳ lịch sử từ thời nhà Lý - Trần, các tù trưởng họ Giáp, họ Thân có thể lực lớn, có uy tín cùng nhiều thế hệ con cháu tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII các quan văn, xuất thân từ khoa bảng (đỗ Tiến sỹ) như các ông: Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Vĩnh Trinh, Dương Thận Huy, Phùng Trạm; các quan võ như hai anh em quận công Dương Quốc Minh và Dương Hùng Lượng. Thế kỷ XIX cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Lương Văn Nắm sau đó là Hoàng Hoa Thám làm thủ lĩnh, ngót 30 năm chiến đấu quật cường (1884 - 1913). Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tân Yên với truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" huyện đã đóng góp nhiều công sức vào thắng lợi 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Phát huy truyền thống của vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng anh hùng, những năm qua Đảng bộ và Nhân dân Tân Yên đã thực hiện Luật Di sản văn hóa năm 2001, tập trung triển khai các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cùa quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Bắc Giang, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXII , nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện Tân Yên xây dựng Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá giai đoạn 2021-2025.

Xác định rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của các di sản văn hóa, đối với xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, cũng như phát triển kinh tế- xã hội của địa phương,  chính quyền huyện Tân Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. 

Địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai, thực hiện cũng như sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Trong đó, có nội dung về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; chỉ đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nghiêm túc quán triệt, triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhân dân xã Song Vân, huyện Tân Yên khai hội Đình Vồng.
Ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhân dân xã Song Vân, huyện Tân Yên khai hội Đình Vồng.

Cùng với đó là công tác tuyên truyền việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi, liên hoan văn hóa văn nghệ. Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Bản tin thông báo nội bộ huyện; tuyên truyền trực quan bằng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện, Đài Truyền thanh xã và hệ thống truyền thanh thôn, tiểu khu, tổ dân phố; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp cũng góp phần không nhỏ trong công tác này. 

Phát huy miền di sản phong phú, đa dạng

Hiện nay, huyện Tân Yên có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú và đa dạng, bao gồm 431 di tích, trong đó có hàng trăm đình, chùa, miếu mạo và hơn 164 lễ hội.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 06 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia nâng tổng số di tích xếp hạng trên địa bàn huyện lên 95 di tích và cụm di tích. Đồng thời, cũng tiến hành tu sửa 34 di tích với tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng, các di tích này khi tiến hành tu bổ đều làm các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép mới được thực hiện.

Huyện Tân Yên trong thời gian qua cũng tích cực phối hợp với các cấp, các ngành trong việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như cùng ngành Công an tỉnh hoàn thành xây dựng Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại xã Nhã Nam; xây dựng hạng mục chính Đền thờ liệt sĩ huyện Tân Yên với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng... Những địa điểm này hứa hẹn sẽ là điểm du lịch văn hóa – tâm linh hấp dẫn trong tương lai; đồng thời sẽ góp phần tích cực tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về mảnh đất và con người Tân Yên.

Tiết mục đồng diễn trong Lễ hội Cầu Vồng
Tiết mục đồng diễn trong Lễ hội Cầu Vồng

Di sản văn hoá phi vật thể cũng tạo nên sự đa dạng như hát Chèo tại làng Hạ (Cao Thượng), Hòa Làng (Phúc Hòa), xã An Dương....; duy trì, phát triển hoạt động của CLB hát Ví - hát Ống (Liên Chung), 03 làng chèo, 02 làng cười, tục gọi gạo ở Phúc Hòa, chợ đêm mồng 2 tết ở Cao Thượng...

Đồng thời duy trì hoạt động của một số nghề truyền thống như: nghề làm chổi tre, chổi chít - Việt Lập, nghề làm hương trầm ở thôn Cả Am- Phúc Hòa, nghề làm quang, chạc, lạt- TT Cao Thượng, nghề làm diều - Song Vân... để khai thác trong các tour du lịch.

Tăng cường giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Cùng với những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện Tân Yên thời gian qua, cũng còn một số hạn chế cần khắc phục như: một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở còn chưa lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự tập hợp, thu hút và phát huy hết tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân tham gia thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa.

Muốn khắc phục được những vấn đề đó, địa phương đã xác địnhh, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu cực, đẩy lùi các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội trong các hoạt động văn hóa, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Nghi thức rước tại Lễ hội Cầu Vồng
Nghi thức rước tại Lễ hội Cầu Vồng

Cùng với những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới như: Lập hồ sơ công nhận di tích 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 02 di tích cấp quốc gia và 09 di tích cấp tỉnh. Tiếp tục tu bổ, tôn tạo di tích được xếp hạng 48 di tích; Lập Quy hoạch khu di tích tâm linh - văn hóa núi Đót, xã Phúc Sơn; Tiếp tục thực hiện các dự án nâng cấp khu di tích tâm linh - sinh thái núi Dành. Duy trì và nâng cao chất lượng 05 lễ hội trọng điểm của huyện gồm: Đền Trũng (Ngọc Châu), Đình Vồng (Song Vân), Đình Hả (Tân Trung), Đền Dành (Liên Chung); Bảo Lộc Sơn (Việt Lập) và tổ chức lễ hội Cầu Vồng tại trung tâm huyện năm 2022.

Lập hồ sơ hiện vật tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn để nhập vào hồ sơ dữ liệu của huyện nhằm quản lý, bảo quản chặt chẽ các di tích lịch sử văn hóa, bảo đảm an toàn, không để xuống cấp, tổn thất di vật, xâm hại; nâng cao nhận thức các giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những di sản văn hoá quí giá của Tân Yên đã và đang được bảo tồn và phát huy góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc.

Với truyền thống anh hùng, cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, trưởng thành và phát triển, Ðảng bộ và Nhân dân Tân Yên quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh và phát triển bền vững, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.