Nuôi người điên khác họ
Ngồi trong căn nhà nhỏ đã nứt toác, xiêu vẹo, nghe những câu hỏi của chúng tôi về lý do ông bà nhận những người thần kinh không bình thường về nhà sinh sống, bà Huỳnh Thị Hạt mỉm cười, nói “là do cái duyên, cái số cả”.
Theo lời bà Hạt kể lại, khoảng hơn 20 năm trước, hồi đó, ông Phước và bà Hạt mới lấy nhau được vài năm, trong một chuyến chạy xe thuê, ông Phước bắt gặp một người điên lang thang cơ nhỡ. Không hiểu thế nào, trong lòng ông trỗi dậy thương cảm. Thế là ông Phước liền đưa lên xe chở về nhà nuôi, cứ thế số người điên ông Phước dẫn về ngày một nhiều.
Bà bảo, ban đầu cảm thấy lo lắng lắm, bởi phần vì gia cảnh còn khó khăn, phần vì sợ những người điên không nhận thức được, nhưng ông nói: “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Nếu sau này tôi cũng bị như vậy thì chẳng lẽ mình cũng bỏ tôi à?”. Sau khi nghe chồng mình nói xong, bà Hạt lặng người đi và kể từ đó bà tận tâm phụ ông chăm sóc những người bất hạnh này.
Chuyện ông Phước nuôi người điên càng được lan xa, vậy là càng thêm nhiều người đưa người thân mắc bệnh “trời đày” đến tìm ông để nhờ nuôi hộ. Vậy rồi từ việc nhận nuôi 1-2 người điên, con số cứ lớn dần lớn dần lên vài chục người, đến nay con số ấy đã tăng lên 120 người.
Dùng tình thương cảm hóa…
Thời gian đầu, vợ chồng bà Hạt phải trực tiếp giặt giũ, tắm rửa cho tất cả thành viên của trại. Sau này, ông bà đỡ cực hơn vì đã có kinh nghiệm chăm sóc người tâm thần. Ông bà còn hướng dẫn những người điên tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác và tự biết dọn dẹp.
Biết được việc làm nhân đức của ông bà, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên qua lại hỗ trợ vật chất và giúp đỡ ông bà công việc của trại. Trạm xá xã thì nhận trách nhiệm lên tỉnh xin thuốc về chuyển lại cho ông bà cho người bệnh uống.
Để có nơi ở rộng rãi cho những người bệnh sinh hoạt, vợ chồng bà Hạt cố gắng dành dụm, vay mượn bạn bè anh em, xây một khu trại trong rẫy cà phê vườn nhà. Phần vì đỡ gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh, phần sẽ tạo cho họ không gian rộng rãi, thoải mái hơn. Cuộc sống khó khăn nên để có thêm tiền chăm sóc cho 120 người sống ở trại, hằng ngày ông Phước đã nhận chạy xe thuê cho người khác. Còn bà Hạt, ở nhà làm rẫy và lo cơm nước cho những bệnh nhân này. Sau mỗi giờ làm mệt mỏi, ông Phước chỉ kịp lùa vội chén cơm rồi lại vội vã xuống khu trại để thăm hỏi trò chuyện cùng những người tâm thần này.
Bà Hạt chia sẻ: “Đối với những người bị điên đừng bao giờ xem họ là người bệnh mà hãy xem như anh em ruột thịt của mình. Việc dùng thuốc chỉ có tác dụng để cắt cơn đau, chứ không có tác dụng cảm hóa được con người….”.
Anh Ngô Thanh Văn (26 tuổi, trú tại TP. Pleiku, Gia Lai), từng là một thanh niên nghiện ngập, thường xuyên lên cơn thần kinh và đập phá đồ đạc trong nhà. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng về trại của gia đình bà Hạt, căn bệnh “trời đày” chàng trai này đã dần bình phục.
Văn vừa rửa chén bát, vừa tâm sự: “Được ba Phước nhận về nuôi được 5 tháng rồi, ba tâm sự hằng ngày nên mình mới hiểu ra mọi chuyện, và mong muốn làm lại cuộc đời”.
Không chỉ có anh Văn, rất nhiều người khi đến với gia đình bà Hạt đều khù khờ và điên dại, nhưng đến nay đã biết nấu cơm, rửa chén. Thậm chí, những công việc lao động chân tay như hái cà phê họ cũng làm rất nhanh và bài bản.
Từ Bắc vào Nam, bất cứ gia đình nào muốn gửi, người thân bị tâm thần, hai vợ chồng bà Hạt đều dang rộng vòng tay chào đón. Hiện tại, để nuôi hơn 120 miệng ăn, mỗi ngày vợ chồng bà Hạt phải chi khoảng hơn 2 triệu đồng để mua thức ăn. Những thứ khác như áo quần, thuốc thang thì không biết bao nhiêu mà kể…
Cứ như vậy, suốt 15 năm qua họ, không lời phàn nàn kêu ca, ngoài phần hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng, ông bà dùng sức khỏe để đổi lấy gạo, thức ăn nuôi sống hơn 120 người tâm thần và dùng tình yêu của mình để cảm hóa trái tim những người kém may mắn này.
ĐỨC HUY- HIẾU ANH