Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tái hiện những thời khắc lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ qua triển lãm “Đường lên Điện Biên”

Thanh Nguyên - 11:33, 01/05/2024

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm đặc biệt với chủ đề “Đường lên Điện Biên”. Những thời khắc lịch sử của dân tộc tại chiến trường Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được tái hiện qua 70 tác phẩm trưng bày tại triển lãm mang đến cho người xem những ấn tượng sâu sắc.

Triển lãm “Đường lên Điện Biên” thu hút rất đông khán giả xem, đặc biệt còn có những cô gái dân tộc Thái đang học tập tại Hà Nội.
Triển lãm “Đường lên Điện Biên” thu hút rất đông khán giả xem, đặc biệt còn có những cô gái dân tộc Thái đang học tập tại Hà Nội.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm đặc biệt với chủ đề “Đường lên Điện Biên”. Những thời khắc lịch sử của dân tộc tại chiến trường Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được tái hiện qua 70 tác phẩm trưng bày tại triển lãm mang đến cho người xem những ấn tượng sâu sắc.

Triển lãm “Đường lên Điện Biên” giới thiệu 70 tác phẩm với những chất liệu khác nhau như hội họa, điêu khắc, kí họa, áp phích… của 34 tác giả, được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1949 - 2009. Các tác phẩm được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm "Đường lên Điện Biên" trên chất liệu sơn mài của họa sĩ Trần Khánh Chương.
Tác phẩm "Đường lên Điện Biên" trên chất liệu sơn mài của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là biểu tượng cho sự đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp của các văn nghệ sĩ. Trong thời gian khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều nghệ sĩ, họa sĩ đã trực tiếp lên đường, hòa cùng các đoàn quân hướng về mặt trận. Có những họa sĩ đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, họa sĩ Tô Văn Sìn...

 Từ sự trải nghiệm gian khổ trong cuộc kháng chiến, với tài năng nghệ thuật, các nghệ sĩ đã phản ánh một cách chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta từ những ngày gian khổ kháng chiến cho đến thời khắc giành được chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bằng màu sắc và ngôn ngữ tạo hình phong phú.

Tác phẩm “Việt Bắc” trên chất liệu lụa của họa sĩ Đào Đức.
Tác phẩm “Việt Bắc” trên chất liệu lụa của họa sĩ Đào Đức.

Với phương pháp trưng bày truyền thống, kết hợp ứng dụng công nghệ trình chiếu cinemagraph và không gian tương tác trải nghiệm, triển lãm "Đường lên Điện Biên" đưa người xem sống lại những khoảnh khắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Có thể thấy nhiều tác phẩm thể hiện sống động về đề tài chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ như: Kéo pháo vào trận địa qua tác phẩm “Tô Vĩnh Diện chèn pháo”, “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh, “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ; sự đóng góp công sức của hàng chục nghìn dân công được khắc họa qua tác phẩm “Việt Bắc” của Đào Đức, “Tiễn nhau đi dân công” của Lưu Văn Sìn, “Cả nước ra trận” của Lưu Danh Thanh; tình cảm quân và dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến như “Tình quân dân” của Nguyễn Sáng, “Đường lên Điện Biên” của Trần Khánh Chương…

Tác phẩm sơn dầu “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của tác giả Nguyễn Thế Vị.
Tác phẩm sơn dầu “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của tác giả Nguyễn Thế Vị.

Nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc và tái hiện sinh động những trận đánh hào hùng, oanh liệt tại chiến trường như "Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ" của tác giả Nguyễn Thế Vị, "Điện Biên năm ấy" của tác giả Cao Trọng Thiềm…

Có những tác phẩm kinh điển, là bản anh hùng ca sáng chói về tinh thần anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên” của Nguyễn Sáng, “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” của Lê Vinh, cùng với chùm kí họa chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ Tô Ngọc Vân trước lúc hy sinh… là điểm nhấn quý giá tại triển lãm.…

Tác phẩm sơn mài “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh.
Tác phẩm sơn mài “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh.

Hay những hồi ức đẹp về Điện Biên qua các tác phẩm của Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải…Trong đó, tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đặc biệt là những hình ảnh về Vị Cha già dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng hình ảnh chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến thể hiện sự đoàn kết một lòng của toàn quân, toàn dân hướng về Điện Biên trở thành chủ đề của nhiều sáng tác.

Tác phẩm sơn dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Cha già dân tộc lội suối đi công tác
Tác phẩm sơn dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Cha già dân tộc lội suối đi công tác

Triển lãm cũng có một số tác phẩm điêu khắc như: “Người cha của lực lượng vũ trang” (thạch cao, tác giả Minh Đinh), “Du kích Hmong” (thạch cao, tác giả Cần Thư Công), “Chiến thắng Điện Biên” (thạch cao, tác giả Nguyễn Thị Kim), “Cả nước ra trận” (đồng, tác giả Lưu Danh Thanh)... Trong đó, gây ấn tượng mạnh với khách tham quan là tác phẩm điêu khắc “Cả nước ra trận”. Với chất liệu đồng, tác phẩm thể hiện hình ảnh người dân công đang gồng mình đẩy chiếc xe đạp thồ chở đầy gạo lên đồi nhưng gương mặt vẫn nhìn thẳng với đôi mắt thể hiện ý chí quyết tâm hướng lên tiền tuyến.

Tác phẩm điêu khắc đồng “Cả nước ra trận”.
Tác phẩm điêu khắc đồng “Cả nước ra trận”.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh tác giả của tác phẩm điêu khắc “Cả nước ra trận” có mặt tại triển lãm chia sẻ: “ Sau khi xem trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi thấy việc phục vụ hậu cần cho Điện Biên Phủ là công việc khó nhất. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, chúng ta lại không có nhiều phương tiện cơ giới để vận chuyển thì việc vận chuyển được khối lượng gạo khổng lồ, cùng vũ khí, đạn dược lên Điện Biên Phủ chỉ với những chiếc xe đạp thồ thô sơ và sức người gánh gồng đó là thành công lớn. Tôi được nghe kể, có những người dân công hỏa tuyến đã đi - về chở được 10 chuyến trong ngày. Tôi rất thích chủ đề xe đạp thồ này và đã thể hiện trên chất liệu đồng”.

Tác phẩm thạch cao “Chiến thắng Điện Biên” của tác giả Nguyễn Thị Kim.
Tác phẩm thạch cao “Chiến thắng Điện Biên” của tác giả Nguyễn Thị Kim.

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, qua triển lãm "Đường lên Điện Biên", chúng tôi mong muốn giới thiệu cho công chúng hiểu hơn về những kí ức Điện Biên Phủ, về những trang sử vàng của dân tộc, qua đó khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân đến thế hệ trẻ hôm nay.

Hình ảnh chiếc xe đạp thồ “huyền thoại” tại không gian tương tác trải nghiệm.
Hình ảnh chiếc xe đạp thồ “huyền thoại” tại không gian tương tác trải nghiệm.

Triển lãm cũng là lời tri ân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới những họa sĩ, nhà điêu khắc mà sự sáng tạo của họ đã mang đến cho chúng ta một khí thế "Đường lên Điện Biên" hào hùng và đầy cảm xúc. Đặc biệt cũng qua triển lãm này, chúng tôi muốn gửi sự tri ân tới những người đã từng tham gia chiến đấu, những người đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ để làm nên hòa bình hôm nay”, ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.

Triển lãm “Đường lên Điện Biên” diễn ra từ ngày 26/4 đến 15/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Trong khuôn khổ triển lãm, sẽ diễn ra chương trình Art Talk với chủ đề "Đường lên Điện Biên" vào lúc 9 giờ ngày 27/4; "Những kỷ niệm về Họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân" vào lúc 9 giờ ngày 11/5.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.