Nguyên đán là một nghi lễ triều hội của triều Nguyễn được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Thái Hòa và thiết Thường triều ở điện Cần Chánh. Nhà vua xa giá từ điện Cần Chánh ra Đại Cung Môn và lên điện Thái Hòa để thân hành chứng lễ. Trong buổi lễ, các quan sẽ dâng biểu chúc mừng nhà vua. Các quan truyền chỉ ban ân của vua trong dịp Nguyên đán với các nghi thức trang nghiêm gắn với các tiết mục đại nhạc, tiểu nhạc.
Sau đó, vua rời khỏi điện Thái Hòa về lại điện Cần Chánh để tiếp tục các nghi thức Nguyên đán. Tại đây, các hoàng đệ và hoàng tử nhỏ tuổi, các thân công, hoàng tử sẽ lạy mừng vua. Tiếp đó là phần tuyên chỉ ban yến tiệc và thưởng xuân của nhà vua. Cuối cùng là các cuộc yến tiệc do vua ban sẽ diễn ra ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu, Tả Đãi Lậu Viện, Hữu Đãi Lậu Viện.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm đã nghiên cứu và tái hiện lễ Nguyên đán dựa trên những tư liệu trong Đại Nam Thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ... Để tiện phục vụ du khách thưởng lãm, Trung tâm gộp cả 2 phần lễ tại điện Thái Hòa và điện Cần Chánh lại thành một và chỉ tái hiện tại điện Thái Hòa.
Việc tái hiện lễ Nguyên đán thời Nguyễn nhằm phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời giới thiệu về những nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa. "Lễ Nguyên Đán triều Nguyễn được tổ chức tại nhiều địa điểm.
Đầu tiên, ngày Mồng 1, Vua ra ở điện Thái Hòa và tổ chức lễ thiết đại triều, tại đây, các quan, các nha, các bộ, các ngành sẽ dâng biểu để chúc mừng Vua. Sau đó, buổi lễ kết thúc. Đính kèm buổi lễ là các tiết mục nhạc lễ. Kết thúc ở điện Thái Hòa sẽ vào điện Cần Chánh tổ chức tiếp một Lễ Nguyên Đán nằm trong nội tộc. Các hoàng thân, hoàng tử nhỏ tuổi… chúc mừng Vua. Sau đó, Vua sẽ ban một buổi yến tiệc”, ông Nguyễn Phước Hải Trung cho biết thêm.