Tác động tích cực vào đời sống đồng bào
Ngược lên huyện vùng cao Hướng Hóa sau gần 4 năm Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh Quảng Trị đi vào cuộc sống, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi những điều mà Nghị quyết 10 đã đem lại cho người dân nơi đây, nhất là người dân ở khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị.
Chị Hồ Thị Dơn, người Bru Vân Kiều ở thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa hồ hởi: “Nhờ Nghị quyết 10 mà gia đình tôi được cấp đất sản xuất, đất ở có bìa đỏ. Kể từ ngày được cấp đất sản xuất, có bìa đỏ để vay vốn, nên gia đình tôi đã thoát hộ nghèo”.
Thực hiện Nghị quyết 10, năm 2019 gia đình chị Dơn được cấp 3ha đất sản xuất. Có đất sản xuất, các thành viên trong gia đình chăm chỉ lao động, trồng ngô, trồng sắn và trồng lúa rẫy. Từ hộ nghèo, mỗi mùa giáp hạt gia đình chị thường xuyên lâm vào cảnh thiếu gạo, thì nay đã làm chủ được lương thực.
Ngoài được cấp đất sản xuất, thửa đất làm nhà của gia đình chị Dơn cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng, gia đình chị Dơn đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào làm chuồng trại nuôi thêm dê, bò. Từ 5 con dê giống, đến nay gia đình chị đã có đàn dê 25 con. Sau 3 năm thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên thửa đất được cấp, gia đình chị Dơn trở thành hộ khá với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ chị Dơn mà còn nhiều hộ gia đình khác đã đổi đời nhờ Nghị quyết 10. Điển hình như gia đình anh Hồ Văn Cường ở thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã vươn lên trở thành hộ giàu.
Được cấp đất sản xuất theo Nghị quyết 10 cộng với diện tích khai hoang, gia đình anh Cường đã sở hữu 10 ha đất sản xuất hợp pháp, ổn định. Từ trồng keo, chăn nuôi trâu, bò, đào ao thả cá trên đất được cấp, mỗi năm đã mang lại cho gia đình anh Cường hơn 300 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh Cường đã vươn lên thành tấm gương sáng để đồng bào Bru Vân Kiều ở Hướng Phùng làm theo.
Có thể thấy, Nghị quyết 10 đã tác động trực tiếp, tích cực lên đời sống đồng bào các DTTS, các hộ dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Hướng Hóa. Nhờ có đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm. Việc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng làm cho công tác quản lý đất ở địa phương được thuận tiện, tránh những tranh chấp không đáng có, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội vùng biên.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 10 đã hỗ trợ kinh phí tạo mặt bằng đất ở cho 1.123 hộ; hỗ trợ về đất sản xuất và kinh phí đo vẽ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất cho 764 hộ với nguồn kinh phí cấp tỉnh là 7.046 triệu đồng.”
Tiếp tục phát huy hiệu quả
Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh Quảng Trị là chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019 - 2022.
Đây là minh chứng sinh động nhất về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đối với vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 10 đã hỗ trợ kinh phí tạo mặt bằng đất ở cho 1.123 hộ; hỗ trợ về đất sản xuất và kinh phí đo vẽ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất cho 764 hộ với nguồn kinh phí cấp tỉnh là 7.046 triệu đồng. Việc có đất sản xuất, đất ở được cấp bìa đỏ ổn định đã góp phần giảm nghèo bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững trật tự xã hội, an ninh quốc phòng vùng DTTS và miền núi.
Huyện Hướng Hóa được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt Nghị quyết 10. Với phương châm thực hiện trọng tâm, trọng điểm, đưa vào Nghị quyết mỗi năm thực hiện 2 - 3 xã. Quy trình được thực hiện công khai, minh bạch từ cấp xã đến các phòng, ban chuyên môn cấp huyện: Phòng Dân tộc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài nguyên và Môi trường… Sau 4 năm thực hiện, đến nay đã có 95% đối tượng được thụ hưởng theo tinh thần của Nghị quyết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nhật Hoàng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký Đất đai huyện Đa Krông chia sẻ: “Nghị quyết 10 đã tác động trực tiếp và có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào DTTS, các hộ dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng được thụ hưởng rộng, bà con có đất sản xuất, đất ở hợp pháp, từ đó tạo động lực phát triển toàn diện ở vùng khó khăn của tỉnh”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những đối tượng theo quy định chưa được thụ hưởng do Nghị quyết 10 có thời hạn đến năm 2022. Để không bỏ sót đối tượng thụ hưởng từ chính sách, Ban Dân tộc tỉnh và Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất kéo dài việc thực hiện Nghị quyết đến cuối năm 2023. Đề xuất này đã được HĐND tỉnh bổ sung vào nội dung của Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và được 100% đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa VIII.
Đây là cơ sở để UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành các mục tiêu về hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn.