Cùng với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu, việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch trong cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử.
Đặc biệt, tại vùng DTTS, miền núi việc triển khai chứng thư số, chữ ký số vào hoạt động đã nâng cao hiệu quả công việc.
Trong những chuyến công tác lên vùng DTTS, miền núi, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, huyện thị xử lý văn bản, dùng chữ ký số khá thành thạo. Bà Trịnh Thị Oanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La chia sẻ: Việc sử dụng chữ ký số đã tạo môi trường làm việc hiện đại, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính. Điều quan trọng hơn là chúng tôi có thể xử lý văn bản mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần 3-4 phút là văn bản được xử lý. Rõ ràng, tiến độ công việc được đẩy nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực; đảm bảo thông tin, văn bản được kịp thời hơn tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.
Cũng theo bà Oanh, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La sử dụng chữ ký số từ tháng 9/2017. Hiện, Ban đã triển khai áp dụng chứng thư số vào hoạt động giao dịch điện tử, hiện tại 100% văn bản của Ban được chuyển dưới dạng điện tử.
Nhằm triển khai chữ ký số rộng rãi hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa ký ban hành thêm kế hoạch về triển khai chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước tỉnh Sơn La. Mục đích của Kế hoạch là 100% đơn vị cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện được cấp chứng thư số chuyên dùng cho tổ chức theo từng giai đoạn. Bước đầu cấp chứng thư chuyên dùng cho Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc HĐND tỉnh, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc các sở, ban của tỉnh, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã áp dụng chữ ký số gắn trên các tài liệu điện tử gửi, nhận trên hệ thống trục liên thông gửi, nhận văn bản điện tử của Chính phủ gửi đến cấp tỉnh, huyện, xã và ngược lại, gắn với mã định danh của các đơn vị. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 1.400 tài khoản gửi nhận văn bản điện tử thay văn bản giấy. Tại tỉnh Tuyên Quang, theo kế hoạch, việc triển khai áp dụng chữ ký số trên địa bàn tỉnh được thực hiện trong 3 giai đoạn. Mục tiêu hướng tới đến năm 2020, 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước; 80% văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan Nhà nước của tỉnh được trao đổi dưới dạng điện tử và được xác thực bằng chữ ký số.
Có thể thấy, sử dụng chứng thư số, chữ ký số đang dần trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, việc triển khai, ứng dụng chữ ký số tại đa số các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo nền tảng cho việc xây dựng chính quyền điện tử các cấp. Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp chứng thư số tại 3 miền, đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu về cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp. Tính đến cuối năm 2017, Ban Cơ yếu Chính phủ đã bảo đảm cung cấp trên 85 nghìn chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương. Tại các địa phương, tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số trên tổng số văn bản điện tử trao đổi trên môi trường mạng nhiều tỉnh đạt cao, điển hình là các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Hà Giang, Bắc Giang, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp...
Rõ ràng, việc sử dụng chữ ký số trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương là rất quan trọng, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng DTTS, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chia cắt thì việc sử dụng chữ ký số trong hoạt động của các cấp chính quyền càng trở nên cấp thiết, cần được nhân rộng, để đảm bảo tính nhanh nhạy, kịp thời. Vì vậy cần triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo cơ sở hạ tầng để thực hiện tại vùng DTTS, miền núi. Cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin phải có khả năng hỗ trợ người dùng tại các địa phương. Các cơ quan, đơn vị cần ban hành các quy định, quy chế về quản lý, lưu trữ và sử dụng chữ ký số.
Cùng với đó, việc sử dụng các giao dịch điện tử trên môi trường mạng luôn tồn tại các nguy cơ về an toàn thông tin như: đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin, mạo danh người gửi... Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có phương thức đảm bảo để thông tin, tài liệu trao đổi trên mạng phải được toàn vẹn, bảo mật thông tin.
HƯƠNG TRÀ