“Người khác làm được thì mình cũng làm được”
Chị Cầm Thị Mòn, dân tộc Thái ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và hàng nghìn hộ dân trong xã đã canh tác cây cà phê từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, điều này khiến chị luôn trăn trở, làm thế nào để biến cà phê trở thành thứ hàng hóa đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao cho mình và người dân. Với suy nghĩ “người khác làm được thì mình cũng làm được”, chị Mòn đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu về cây cà phê Sơn La để nâng cao giá trị sản phẩm của cây cà phê giống như các địa phương khác. Và may mắn thay khi chị nhận được sự tài trợ của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ về máy móc chuyển giao công nghệ hai mô hình sinh kế. Vậy là chị Cầm Thị Mòn quyết tâm khởi nghiệp.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này nên chị Mòn hiểu rất rõ về mảnh đất và con người nơi đây. Chị em phụ nữ bao đời nay sinh ra, lớn lên cùng bố mẹ, quanh quẩn với ruộng nương, đến tuổi đi lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Vì thế chị em ít có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, cái đói cái nghèo, cái lạc hậu cứ thế bám diết lấy họ, mãi không thoát ra được...
"Tôi thì có suy nghĩ khác, tôi không chịu chấp nhận “số phận định sẵn”, bao đêm trăn trở với ý tưởng làm giàu, và quyết tâm phải “vượt qua chính mình". Tôi quyết tâm “khăn gói” đi tham quan, học hỏi các mô hình tại tỉnh Lâm Đồng, thấy hạt cà phê Lâm Đồng họ bán được cao gấp đôi thậm chí gấp 3 lần giá hạt cà phê của Sơn La quê mình, trong khi chất lượng cà phê của Sơn La thấp, không thơm ngon như của Lâm Đồng. Sau chuyến đi đó, bao đêm tôi mất ngủ với nhiều câu hỏi được đặt ra. Cuối cùng tôi đưa ra giải pháp là tập hợp các chị em trong bản đoàn kết lại với nhau, cùng bàn bạc, cùng thảo luận rồi đi đến thống nhất...", chị Mòn chia sẻ.
Năm 2018, HTX Ara- Tay cofee chính thức ra đời và đi vào hoạt động mà chủ nhân không ai khác chính là chị Cầm Thị Mòn, niềm ao ước của chị bấy lâu nay của chị và các chị em đã trở thành hiện thực. Mỗi năm, Ara – Tay cofee chế biến và cung ứng ra thị trường từ 6 đến 8 tấn hạt cà phê nhân xanh, khoảng trên 3 tấn hạt cà phê rang xay, bán từ 300 ngàn đến cả triệu đồng/kg, giá trị nâng cao gấp nhiều lần so với trước kia.
Năm 2020, với tư cách là HTX Ara – Taycofee, cofee Ara – Tay vinh dự lọt top cà phê ngon nhất Việt Nam. Điều này càng thôi thúc chị Mòn và các thành viên phát triển cây cà phê Sơn La trở thành cà phê đặc sản và mở rộng diện tích vùng trồng với loại sản phẩm đặc hữu này.
Chị Mòn chia sẻ trong niềm vui: Bước đầu chế biến thành công cà phê đặc sản, bản thân tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào vì mình đã làm được việc vô cùng ý nghĩa với cây cà phê tưởng chừng như sắp phải phá bỏ. Ngược lại, không những không phải chặt bỏ mà tôi cùng các chị em đã nâng cao giá trị, tạo được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, góp phần ổn định cuộc sống, nhiều gia đình đã phấn đấu vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Thành công từ mô hình chế biến cà phê đặc sản, một lần nữa khẳng định tư duy đúng của nữ người phụ nữ dân tộc Thái “Người khác làm được thì mình cũng làm được”, ngay tại mảnh đất quê hương mình. Vai trò và vị thế của người phụ nữ đang dần thay đổi, quyền năng kinh tế đang dần hình thành, chị em phụ nữ ngày càng tự tin khẳng định tài năng và uy tín của mình trong gia đình và xã hội.
“Trước kia người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng “bảo gì nghe đấy, thậm chí thấy sai cũng không dám nói lên tiếng nói của mình”, nhưng giờ thì đã khác rồi. Từ khi HTX được thành lập, chị em đã tự mình làm chủ về kinh tế trong gia đình, tiếng nói của chị em đã có trọng lượng hơn trước. Ngoài xã hội, chị em cũng cảm thấy tự tin hơn khi tham gia các phong trào, được đi tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế… Trước đây người phụ nữ có chồng giống như con chim bị nhốt trong lồng, nên rất ít có cơ hội để phát triển bản thân, nay thì đã khác rồi, người phụ nữ có nhiều cơ hội lắm…” chị Mòn tâm sự.
Mô hình HTX HTX Ara- Tay cofee của các chị Mòn và các chị em dân tộc Thái ở xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chỉ là một ví dụ điển hình về sự chủ động, tự tin vươn lên thoát nghèo của phụ nữ Sơn La. Hiện, tại Sơn la, các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều, công tác phụ nữ được triển khai thực hiện, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì được quan tâm, giúp đỡ xây nhà ở, được hỗ trợ mô hình sinh kế.
Khẳng định vị thế trong gia đình và "thương trường"
Theo thống kê, giai đoạn 2017-2021, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Sơn La đã giúp đỡ trên 2.200 phụ nữ thoát nghèo, trên 2.700 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, hàng chục nghìn phụ nữ được dạy nghề và tìm kiếm việc làm; hàng chục nghìn lượt hội viên phụ nữ được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ đã thành lập 18 HTX do phụ nữ làm chủ nhiệm, 679 mô hình sinh kế cho phụ nữ, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai gắn với phong trào thi đua sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, toàn dân đoàn kết xây dựng mô hình nông thôn mới, đô thị thông minh sạch đẹp, thu hút đông đảo chị em phụ nữ và người dân tham gia.
Chị Lò Thị Thủy, dân tộc Thái, Giám đốc trẻ của HTX Đoàn kết chia sẻ: Thời 4.0 như hiện nay thì nam và nữ đều có quyền bình đẳng như nhau, có nhiều cơ hội như nhau. Phụ nữ như tôi đây cũng có khát khao và có quyền nuôi những ước mơ hoài bão “muốn làm giàu cho chính gia đình của mình”.Thậm chí, xa hơn nữa là làm giàu cho địa phương mình. Với mong muốn các chị em cùng “tiến về phía trước” mà không phụ thuộc và trông chờ vào người đàn ông. Trước kia, khi chiến tranh xảy ra đã có biết bao chị em cầm súng xung trận chống giặc ngoại xâm, nay thời bình, chị em lại cùng nhau phát triển kinh tế, xây dưng gia đình ấm no, hạnh phúc bằng chính tư duy, khả năng và trí tuệ của mình".
Là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, xong các cấp Hội phụ nữ tỉnh Sơn La đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và có nhiều đóng góp tích cực, ngày càng có nhiều chị em tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đến nay tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt từ 18% trở lên, nhiều chị em giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước.
Chị Lò Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Sơn La cho biết: Phụ nữ ngày nay ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trong gia đình. Đối với bản thân tôi thấy rằng, dù ở cương vị nào, vai trò, người phụ nữ cũng phải luôn nỗ lực, cố gắng rèn luyện để hoàn thành tốt các công việc của mình".
Thực tế cho thấy, vai trò, vị trí của người phụ nữ ngày càng được khẳng định trên tất cả các phương diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Chị em đã tích cực lao động sản xuất, áp dụng KHKT vào trồng trọt và chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, họ vẫn luôn làm tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ, là người giữ lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình.
Có được kết quả này, chính là nhờ sự nỗ lực của kết quả triển khai thực công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ của các cấp, các ngành trong toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp tích cực của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các lớp tập huấn thúc đẩy phát triển bình đẳng giới ngay tại cơ sở.
Để hướng tới bình đẳng giới một cách thực chất và hiệu quả, tỉnh sơn La tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cấp, các ngành trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về giới và bình đẳng giới, nhân rộng các mô hình, cách làm hay hiệu quả của các chị em phụ nữ trên các lĩnh vực, từ đó tạo môi trường an toàn, lành mạnh để chị em phụ nữ phát huy năng lực, sở trường, từng bước khẳng định được vai trò, vị thế của họ trong gia đình và trong XH.