Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sơn La: Khi cấp ủy vào cuộc giúp nhân dân tiêu thụ nông sản

Quốc Tuấn - 21:43, 07/11/2021

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giao cho người đứng đầu cấp ủy làm Tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản… Đó là cách làm hiệu quả được Tỉnh ủy Sơn La triển khai trong thời gian vừa qua, đảm bảo mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch”.

Bí thư Huyện ủy Yên Châu kiểm tra tình hình sản xuất tại HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng
Bí thư Huyện ủy Yên Châu Tòng Thế Anh (đứng giữa) kiểm tra tình hình sản xuất tại HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng

Chủ trương hợp lòng dân

Sơn La có hơn 80.000 ha cây ăn quả các loại với sản lượng khoảng 400.000 tấn. Mấy năm gần đây, tỉnh đã có nhiều giải pháp trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với tiêu thụ, xuất khẩu. Cùng với việc đạt được những con số ấn tượng về xuất khẩu và tiêu thụ nông sản thì Sơn La cũng đã trở thành địa phương trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc.

Tuy nhiên trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc sản xuất, chế biến, nhất là việc tiêu thụ nông sản của nông dân Sơn La gặp nhiều khó khăn. Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La thông tin: Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La cũng đã ban hành các văn bản, kết luận hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, bảo đảm mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch”.

Để có kế hoạch tiêu thụ nông sản phù hợp hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã có chủ trương giao Thường trực Huyện ủy, Thành ủy bám sát tình hình sản xuất nông sản của địa phương, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết. Giao cho các Bí thư Huyện ủy, Thành ủy làm Tổ trưởng Tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của huyện, thành phố.

Ông Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu cho biết: Từ chủ trương của Tỉnh ủy, huyện đã thành lập Tổ công tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản, do Bí thư Huyện ủy làm Tổ trưởng, Chủ tịch UBND huyện làm Tổ phó, thành viên là các ban, ngành liên quan. Tổ công tác thường xuyên đi khảo sát các vùng trồng để xây dựng phương án tiêu thụ. Cùng với đó, huyện Yên Châu còn cử cán bộ huyện theo dõi, huy động nhân lực giúp bà con thu hái nông sản; khuyến khích thương lái đến thu mua tại vườn, hỗ trợ thương lái bao bì, đóng gói sản phẩm đi tiêu thụ...

Từ những chỉ đạo quyết liệt trên, hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản của huyện Yên Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung được triển khai rất hiệu quả. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhiều sản phẩm cây ăn quả như bơ, chanh leo, thanh long, xoài ghép, nhãn ghép… của Sơn La vẫn xuất khẩu được ra nước ngoài, cho thu nhập từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Lãnh đạo xã Hát Lót và cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Mai Sơn nắm tình hình tiêu thụ bưởi tại bản Nà Cang, xã Hát Lót.
Lãnh đạo xã Hát Lót và cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Mai Sơn nắm tình hình tiêu thụ bưởi tại bản Nà Cang, xã Hát Lót.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La thông tin thêm: Việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và phát huy tốt vai trò người đứng đầu địa phương trong chỉ đạo hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm đã tạo được hiệu ứng và kết quả rất tốt. Đến thời điểm này, hàng trăm nghìn tấn nông sản của tỉnh đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các nước.

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản trước khi nông dân chính thức bước vào vụ thu hoạch. Tỉnh đã chủ động tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021, kết nối tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 10 tỉnh, thành nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh. Đồng thời, đưa ra được các phương án lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh với nhau và tại các tỉnh có cửa khẩu...

Câu chuyện cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng người dân tiêu thụ nông sản ở Sơn La đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, củng cố thêm niềm tin của người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền. Qua đó góp phần đảm bảo mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch”, thể hiện rõ vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong những việc khó…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.