Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

P.V - 11:35, 04/05/2024

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra các hoạt động triển khai của Đề tài
Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra các hoạt động triển khai của Đề tài

Trong quá trình triển khai, Đề tài đã khảo sát thực trạng BĐKH và sinh kế của người dân, nhất là đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Long Phú (xã Tân Hưng và Trường Khánh) và huyện đối chứng Châu Thành. Kết quả điều tra giúp nhóm nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến sinh kế và sản xuất nông nghiệp, từ đó lựa chọn và thiết kế các giải pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH (gọi tắt là giải pháp CSA) phù hợp với đặc điểm địa bàn. Các giải pháp CSA được kết nối với nhau theo hướng kinh tế tuần hoàn để góp phần giải quyết các thách thức do BĐKH tại địa phương.

Xã Tân Hưng có vị trí gần cửa biển Trần Đề, chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn hán và xâm nhập mặn đặc biệt trong mùa khô. Đây cũng là xã có tỷ lệ cao dân số là đồng bào Khmer, với sinh kế chủ yếu dựa vào trồng lúa và chăn nuôi bò, heo. Trước tình trạng hạn mặn, các cấp chính quyền địa phương kêu gọi chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và áp dụng các giải pháp, kỹ thuật mới trong nông nghiệp nhằm từng bước ứng phó với BĐKH.

Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu của địa phương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng và Đại học Cần Thơ điều tra khảo sát và thiết kế mô hình Làng Nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH (gọi tắt là mô hình CSV) với trọng tâm đặt tại ấp KoKo và Tân Quy B thuộc xã Tân Hưng. Mô hình CSV kết hợp 8 giải pháp CSA vào trong 3 hoạt động chính là: Chuyển giao kỹ thuật trồng nấm bào ngư xám tận dụng nguồn lực địa phương; Chăn nuôi bò thích ứng và Chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn trong vụ ba.

Các giải pháp CSA được nêu ra và bàn bạc cụ thể trong các cuộc hội thảo kỹ thuật với cộng đồng địa phương. Hội thảo kỹ thuật cũng có sự tham gia của các cán bộ chuyên trách thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện Long Phú, đại diện UBND xã Tân Hưng và cán bộ thôn, ấp để lựa chọn CSA sát với thực tế và đảm bảo tính khả thi.

Ở mỗi nhóm hoạt động, Đề tài cũng thành lập các nhóm, gồm khoảng 25 nông dân người Khmer ở địa phương để tham gia tập huấn, thực hành các giải pháp trên thực tế. Tiếp theo các hội thảo kỹ thuật, nhiều lớp tập huấn chuyên sâu đã được tổ chức ở mỗi nhóm hoạt động.

Nhóm đề tài khảo sát xây dựng hầm Biogas tại hộ nuôi bò
Nhóm đề tài khảo sát xây dựng hầm Biogas tại hộ nuôi bò

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình CSV đã được hình thành. Ở nhóm chăn nuôi, các hộ đồng bào dân tộc Khmer đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, thực hành ủ rơm rạ làm thức ăn vỗ béo cho bò thịt. Chất thải một phần được tận dụng để làm nguyên liệu cho hầm Biogas, phần còn lại được bán đến các cơ sở nuôi trùn quế tại địa phương. Ở trại trùn quế, trùn thành phẩm làm thức ăn cho chăn nuôi gà đen, đệm trùn được thu gom làm phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất lúa và rau, qua đó khép kín vòng tuần hoàn ngay tại địa phương.

Ở hoạt động trồng nấm, Đề tài cũng đã hỗ trợ kinh phí tập huấn và lựa chọn 3 hộ làm điểm trình diễn. Nấm thành phẩm đã được tiêu thụ hết tại địa phương ngay sau những vụ trồng đầu tiên. Sản phẩm cũng có nhu cầu lớn ở địa phương vì ở đây có đông người ăn chay. Trồng nấm tương đối phù hợp với gia đình ít lao động, tuổi cao, góp phần tạo việc làm tại chỗ.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra mô hình xây dựng hầm Biogas
Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra mô hình xây dựng hầm Biogas

Với nỗ lực chuyển đổi cây trồng cạn, Đề tài cũng giới thiệu các kỹ thuật trồng các cây trồng cạn tiềm năng thay thế cho vụ ba và phù hợp với đặc điểm canh tác của đồng bào Khmer. Một số cây tiềm năng được xác định như củ dền, cây sen và dưa hấu. Người dân cũng được tập huấn kết nối với thị trường và học hỏi từ các mô hình kinh doanh thuận thiên.

Trong tháng 4/2024, đoàn kiểm tra của Ủy ban Dân tộc đã đến thăm, làm việc trực tiếp tại các hộ trình diễn mô hình, làm việc với chính quyền địa phương và nhóm thực hiện đề tài. Đoàn ghi nhận những kết quả tích cực bước đầu từ mô hình, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn để Để tài triển khai các hoạt động tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục