Việc triển khai Đề tài “Nghiên cứu giải pháp mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô cho người DTTS” có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn và giao cho Chính phủ xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ góp phần cung cấp các luận cứ khoa học quan trọng, để các cơ quan có liên quan trong việc hoạch định, hoàn thiện các giải pháp, cơ chế, chính sách và mô hình tăng cường giải pháp mở rộng tiếp cận dịch vụ tín dụng vi mô cho người DTTS.
Trên cơ sở hệ thống hóa, làm rõ cơ sở lý luận, lý thuyết nghiên cứu về tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô cho người DTTS; đánh giá thực trạng phát triển tài chính vi mô, tiếp cận tài chính vi mô, nhu cầu tiếp cận tài chính của người DTTS theo đặc thù từng vùng, miền; Đề tài đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách và mô hình nhằm tăng cường mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô, hỗ trợ phát triển KT-XH cho người DTTS.
Cùng với công tác nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, hệ thống các tài liệu liên quan và tổ chức các cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, Đề tài đã khảo sát thực địa qua phương pháp thu thập thông tin định lượng (thông qua bảng hỏi) và thông tin định tính (thông qua phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm) với đồng bào DTTS của 6 tỉnh, đại diện cho 3 vùng: Miền núi phía Bắc (Hà Giang, Điện Biên); miền Trung và Tây Nguyên (Nghệ An, Kon Tum); Nam Bộ (Sóc Trăng, Bình Phước).
Đối tượng nghiên cứu của Đề tài là hộ gia đình người DTTS; hộ buôn bán, kinh doanh; tổ chức tài chính vi mô hoạt động trên địa bàn vùng DTTS; chính sách hỗ trợ tài chính vi mô cho người DTTS. Phạm vi nghiên cứu về tài chính vi mô gồm một số dịch vụ như: Tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm và thanh toán.
Triển khai công tác nghiên cứu, Đề tài đã làm rõ bối cảnh, tình hình, phân tích thực trạng dịch vụ tài chính vi mô, tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô theo thị trường chính thức, bán chính thức và không chính thức. Từ đó, phân tích và làm rõ những rào cản ảnh hưởng đến phát triển thị trường tài chính vi mô cho đồng bào DTTS và chính sách về phát triển dịch vụ tài chính vi mô cho đồng bào DTTS.
Kết quả nghiên cứu, các giải pháp, kiến nghị của Đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là kết quả từ công tác khảo sát của Đề tài; các nhóm giải pháp, kiến nghị của Đề tài cơ bản phù hợp với bối cảnh, đặc thù, giải quyết thách thức, vấn đề đặt ra trong thực hiện cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cho đồng bào DTTS, góp phần phát triển KT-XH của vùng.
Một số ý kiến đề nghị Đề tài cần làm rõ hơn khung lý thuyết nghiên cứu về tài chính vi mô, đánh giá khả năng tiếp cận tài chính vi mô; phân tích sâu hơn về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTG ngày 22/01/2020); bám sát vai trò của UBDT và các cơ quan, tổ chức trong tham mưu, ban hành chính sách; bổ sung một số giải pháp như: đề xuất khung pháp lý để mở rộng đối tượng, tăng cường sự tham gia của người DTTS; cung cấp thông tin chính thống trên Cổng thông tin Ủy ban Dân tộc; tăng cường ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin...
Kết quả Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện ý kiến góp ý, thảo luận của các thành viên Hội đồng.