Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Sóc Trăng: Tạo thị trường riêng cho sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS

Hồng Diễm - 09:24, 19/11/2022

Qua gần 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thấy được tiềm năng, thế mạnh phát triển OCOP, nâng cao thu nhập, khai thác các lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc trưng của đồng bào, tạo ra lối đi riêng bền vững trên thị trường, vừa mang lại thu nhập ổn định vừa mang đậm bản sắc văn hóa.

Các sản phẩm đặc trưng của đồng bào được trưng bày tại hội chợ
Các sản phẩm đặc trưng của đồng bào được trưng bày tại hội chợ

Hiện tại, Sóc Trăng là địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP thuộc hàng nhiều nhất khu vực với 174 sản phẩm. Nổi bật là sản phẩm gạo ST24 đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và đang được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Ngoài ra, địa phương còn có 29 sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao, 144 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trong đó nhiều sản phẩm nổi bật của đồng bào Khmer, Hoa như: Mắm cua gạch, mắm tôm gạch, mắm sò huyết, hành tím Vĩnh Châu, bánh Pía, lạp xưởng; xá bấu chua ngọt…

Từ nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương nhiều chủ thể, cơ sở, doanh nghiệp đã tận dụng tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn nhất là ở khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Anh Lý Thanh Bình - chủ cơ sở mắm khô Thiên Hương (huyện Trần Đề) chia sẻ: “Tôi làm mắm xuất phát từ niềm đam mê, đặc biệt là muốn đem sản phẩm “quà quê” được mẹ làm cho ăn từ thuở ấu thơ đến cho mọi người cùng thưởng thức. Do đó, sau khi “cải tiến” món mắm cua gạch lên theo từng công đoạn, đạt tiêu chuẩn tốt nhất cung ứng đến người tiêu dùng, năm 2019 mắm cua gạch đạt chứng nhận 3 sao OCOP. Tiếp nối thành công của món mắm trên, tôi tiếp tục sản xuất thêm các loại mắm độc đáo tận dụng từ nguồn thủy, hải sản có trong tự nhiên như: mắm tôm sú, mắm sú cồ, mắm sò huyết, mắm bào ngư, mắm tôm hùm, mắm tôm gạch, mắm chưng chiên, mắm lươn...”.

Để ngày càng có nhiều sản phẩm đạt các sao OCOP cấp tỉnh, các cấp ngành trong tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền đến người dân tại các địa phương bằng cách lắp đặt các Pano tuyên truyền Chương trình OCOP cũng như hỗ trợ chủ thể OCOP cải tiến bao bì, nhãn mác sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, giúp sản phẩm OCOP nâng cao giá trị, sức cạnh tranh…

Bằng chứng là các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện nhằm ổn định, phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; nhiều chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh đã được triển khai; các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa vào tiêu thụ tại các thị trường, kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu.

Sàn thương mại điện tử mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS
Sàn thương mại điện tử mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS

Mới đây, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2022.

Tại gian hàng các sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), khách hàng liên tục tìm đến hỏi mua đặc sản như gạo ST24, bánh phồng tôm, mắm tép, hẹ bông, bánh vai vạc... Hiện tại, huyện Mỹ Xuyên có 14 sản phẩm OCOP và 5 sản phẩm tiềm năng. Với kỳ vọng có thêm nhiều sản phẩm OCOP hơn, huyện đang tích cực hỗ trợ các chủ thể trong các khâu để nhanh chóng đạt chuẩn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Chị Lưu Thị Hồng Thảo - Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Tham gia hoạt động lần này là cơ hội rất lớn để quảng bá các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Khmer từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ các tỉnh bạn biết đến mà còn nổi tiếng khắp thế giới. Trên thực tế sản phẩm gạo ST24 đã tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Tương lai, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm nối tiếp gạo ST24 được vang danh nhất là các sản phẩm của đồng bào DTTS trên địa bàn”.

Cùng với đó, Sở Công thương cho ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là kênh bán hàng trực tuyến dành riêng cho sản phẩm đặc thù của địa phương, cũng là cơ hội để các sản phẩm của đồng bào Khmer Nam Bộ có cơ đến gần hơn với người tiêu dùng.

Chị Phạm Thị Mới - chủ cơ sở kinh doanh Cô Mới Tp. Sóc Trăng cho biết, cơ sở chủ yếu bán các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào Khmer, Hoa như mứt củ hành tím, sá bấu chua ngọt, khô trâu, tôm khô... Các mặt hàng được bán trực tiếp tại cửa hàng và bán Online, tạo ra một môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi. Tuy nhiên với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường, hình thức kinh doanh này dần kém hiệu quả. Nhờ được các cơ quan quản lý thương mại địa phương hướng dẫn, trong thời gian qua, cơ sở đã bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Bằng hình thức bán hàng "tận ngọn" này, cơ sở không phải tốn thêm chi phí trung gian nên lợi nhuận thu được cao hơn so với kênh bán hàng truyền thống.

Theo ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương, các hoạt động diễn ra là sự nỗ lực của tỉnh trong việc giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố. Không chỉ tạo nên hiệu quả về mặt kinh tế, mà còn là nhịp cầu kết nối để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp vùng miền trên cả nước tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại, hợp tác, quảng bá, liên kết và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.