Theo đó, các hoạt động chính của Lễ hội sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ 25 - 27/11/2023 gồm những sự kiện như: Giải đua ghe ngo truyền thống với 50 đội đua nam, nữ trong và ngoài tỉnh tham dự; tổ chức Lễ cúng trăng tại chùa Kh’leang (TP Sóc Trăng); trình diễn Lôiprotip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu với sự tham gia của đại diện các chùa Khmer tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đặc biệt một trong những điểm nhấn của lễ hội năm nay là hoạt động tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đối với bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST sẽ được diễn ra vào 8h sáng ngày 25/11 tại công viên 30/4. Dòng gạo thơm ST là đặc sản của Sóc Trăng. Riêng năm 2019, gạo ST25 đã đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Ngoài ra nhân dịp lễ hội, tỉnh cũng tổ chức song song nhiều hoạt động phối hợp như: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2023 (từ 21 – 27/11 tại khu Đô thị 5A, thành phố Sóc Trăng) với quy mô từ 300 - 350 gian hàng, gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Liên hoan Ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần thứ V năm 2023 (từ 21 – 27/11 tại Công viên 30/4, thành phố Sóc Trăng) với khoảng 30 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, trưng bày, giới thiệu và bán các đặc sản của các địa phương trong tỉnh; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề phản ánh những tựu kinh tế - văn hóa của tỉnh Sóc Trăng, diễn ra từ 21 – 27/11 tại Quảng trường Bạch Đằng, TP Sóc Trăng.
Đặc biệt năm nay lần đầu tiên Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng phối hợp với Ban Truyền hình tiếng Dân tộc (VTV5) tổ chức “Liên hoan tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam bộ”. Hứa hẹn sẽ mở ra một sân chơi văn hóa, âm nhạc mới đầy màu sắc cho đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung.