Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Sóc Trăng: Phụ nữ Khmer giúp nhau thoát nghèo bền vững

Như Tâm - 08:35, 15/11/2023

Xã Long Phú, huyện Long Phú, là địa phương có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đồng bào, chủ yếu làm nông nghiệp. Do vậy, việc xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân luôn được chính quyền khuyến khích, đồng thời hỗ trợ để các hộ phát triển hiệu quả mô hình. Điển hình như phụ nữ ở Long Phú, đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như mô hình trồng lúa kết hợp nuôi heo, trồng màu; mô hình trồng sen kết hợp chăn nuôi bò…

Chị Triệu Thị Phol Ly, ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú ( Sóc Trăng) đang chăm sóc đàn heo thịt trên 10 con
Chị Triệu Thị Phol Ly, ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú ( Sóc Trăng) đang chăm sóc đàn heo thịt trên 10 con

Cùng vươn lên thoát nghèo

Đến thăm gia đình chị Súc Thị Mỹ Lệ, người dân tộc Khmer, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Phú Đức, xã Long Phú, với mô hình trồng sen lấy ngó kết hợp chăn nuôi thêm bò thịt. Chị Lệ cho biết, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất sản xuất nên đời sống khá chật vật. Được cán bộ xã giới thiệu vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, ban đầu là 30 triệu đồng, rồi thêm 50 triệu đồng. Đến năm 2022, gia đình chị trả hết nợ, sau đó chị được vay 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, gia đình chị Lệ đã có 2 con bò giống và 3 con bò trưởng thành; thêm mô hình trồng sen với 10 công đất thuê, chị chia thành 2 đợt trồng xen kẽ để thu hoạch quanh năm và nguồn giống để tái sản xuất cho vụ tiếp theo. Cứ 3 ngày chị thu hoạch một lần với hơn 20 kg ngó sen, giá bán giao động từ 20 - 25 ngàn đồng/kg, những lúc cao điểm bán được từ 60-80kg mỗi lần thu hoạch. Theo tính toán của chị Lệ, trừ chi phí chị còn từ 5-6 triệu đồng/1 tháng. 

“Mô hình trồng sen tính ra lời hơn làm lúa rất nhiều. Trồng sen thì vất vả nhất là lúc thu hoạch, nhưng lợi nhuận cao, giúp gia đình có nguồn thu ổn định lo con cái ăn học và có tiền tích luỹ”, chị Lệ bộc bạch.

Cách nhà chị Lệ không xa, gia đình chị Triệu Thị Phol Ly, ấp Kinh Ngang, xã Long Phú đang thành công, với mô hình trồng lúa kết hợp trồng màu và chăn nuôi (lợn) heo. Mỗi năm trừ hết chi phí, chị thu lời hơn 150 triệu đồng. 

Chị Phol Ly chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm ngành Ngoại ngữ, không xin được việc tại quê nhà, nên phải đi làm công nhân ở các tỉnh miền Đông được mấy năm. Khi thấy cha mẹ già sức yếu, con nhỏ không người chăm sóc, chị quyết định về quê lập nghiệp. 

Được giới thiệu tham gia Chi hội Phụ nữ ấp, chị Phol Ly còn được tiếp cận vốn vay ngân hàng chính sách xã hội để phát triển nghề chăn nuôi heo truyền thống của gia đình. Hiện nay, chị đang nuôi hơn chục con heo thịt, 4 con heo nái để vừa chủ động được nguồn giống để nhân đàn, vừa cung cấp con giống cho thị trường, 

Theo chị Phol Ly, mỗi năm chị nuôi 3 đợt, thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Với 1,8 ha đất trồng lúa, vụ vừa qua, nhờ bán được giá, gia đình thu lời 40 triệu đồng, ngoài ra còn có thu nhập từ 20-30 triệu đồng từ việc trồng màu quanh năm

Chị Súc Thị Mỹ Lệ chuẩn bị ngó sen đểthương lái đến thu mua tại nhà
Chị Súc Thị Mỹ Lệ chuẩn bị ngó sen để thương lái đến thu mua tại nhà

Nguồn "trợ lực" quan trọng

Hai năm gần đây, nhờ vào vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), đã trở thành nguồn "trợ lực" quan trọng tiếp tục giúp cho nhiều phụ nữ Khmer ở xã Long Phú phát triển kinh tế thành công, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Chi hội phụ nữ ấp Kinh Ngang, có hơn 100 hội viên, đến nay chỉ còn 2 hội viên là hộ nghèo, do hoàn cảnh gia đình neo đơn. Điển hình là hộ gia đình bà Thạch Thị Sà Phon. Do thiếu tư liệu sản xuất, nên cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn. Xét thấy sự quyết tâm vươn thoát nghèo của bà nên Chi hội Phụ nữ ấp đã tín chấp giới thiệu cho bà vay thêm Ngân hàng chính sách xã hội 40 triệu đồng, vừa để chuộc lại đất 2 công đã cầm cố trước đó, vừa để bà vay mượn thêm người thân mua 2 con bò giống để nuôi. 

“Trước đây chủ yếu đi làm mướn cho người ta để lo cái ăn hàng ngày, do có được 2 công đất phải cầm cố, khi vay được vốn tôi chuộc lại đất và mua 2 con bò về nuôi. Nuôi bò là để bỏ ống, còn trồng rau màu có bán quanh năm, thu nhập đủ chi tiêu và tích luỹ trả nợ ngân hàng. Theo đà này, cuối năm gia đình có thể thoát nghèo”, bà Sà Phon phấn khởi chia sẻ.

Đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng phần lớn sống chủ yếu ở vùng nông thôn. Do vậy, sau khi được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn sinh kế, vốn chính sách ưu đãi từ Chương trình MTQG 1719, nhiều chị em phụ nữ đã chọn lĩnh vực nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình và đã mang lại hiệu quả cao, giúp có thu nhập ổn định, đưa đời sống từng bước ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Đang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Phú, huyện Long Phú cho biết, Hội thường xuyên rà soát, để nắm được hoàn cảnh của các hội viên để kịp thời hỗ trợ không để cho tái nghèo. Ngoài các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, các chị em phụ nữ còn đóng góp hỗ trợ nhau làm kinh tế như: mô hình nuôi heo nái, nuôi bò, trồng rau trên bờ kinh,nuôi gà, sản xuất rau sạch, trồng sen, hay buôn bán nhỏ… 

"Trong các mô hình kinh tế hiệu quả, thì nổi bật là mô hình trồng bồn bồn - sen của Tổ phụ nữ ấp Phú Đức, với 15 thành viên tham gia. Tổ phụ nữ này đã dùng số tiền tiết kiệm cho chị em mượn vốn xoay vòng không tính lãi, giúp các chị có nguồn vốn đề phát triển thêm chăn nuôi, mở rộng trồng bồn bồn - sen, nhờ đó mà trong tổ có nhiều chị em đã vươn lên khá giả", bà Nguyễn Thị Hồng Đang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Phú phấn khởi thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.