Cụ thể, Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 gần 769 tỷ đồng.
Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ngay sau khi ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế quản lý triển khai thực hiện chương trình; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện chương trình. Đồng thời, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện chương trình và dự kiến phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện Chương trình. Đây là cơ sở cho các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh lập kế hoạch trung hạn và hằng năm, giúp triển khai thực hiện Chương trình kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.
Hiện tại, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ mức vốn được giao của các nội dung, dự án thành phần thuộc Chương trình đã khẩn trương rà soát, đăng ký danh mục và thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đảm bảo kế hoạch giao vốn đúng theo quy định và giải ngân nguồn vốn năm 2022 kịp thời. Tính đến thời điểm này, công tác triển khai thực hiện Chương trình trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu, kế hoạch đề ra.