Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sóc Trăng: Người dân thoát nghèo từ nghề được đào tạo

Tào Đạt - Như Tâm - 16:49, 12/12/2024

Với hơn 35% dân số là người DTTS, tỉnh Sóc Trăng xác định công tác giáo dục nghề nghiệp cho lao động là một trong những giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thực hiện Tiểu dự án 3 "Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi" của Dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), địa phương đã đẩy mạnh đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Hiệu quả từ công tác này, là đồng bào có công việc với thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao.

Được đào tạo, người dân có kiến thức, tay nghề gia công sản phẩm để tăng thu nhập
Được đào tạo, người dân có kiến thức, tay nghề gia công sản phẩm để tăng thu nhập

Có việc làm, đồng bào ấm no

Thời gian qua, nhờ nguồn lực từ Tiểu dự án 3, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm đã triển khai nhiều mô hình đào tạo nghề ngắn hạn và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, qua đó góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Cụ thể, trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức đào tạo 41 lớp tập huấn về thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp... thu hút 840 học viên tham gia, đạt 105% so với kế hoạch. Đơn vị cũng phối hợp với một số doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động, với thu nhập ổn định từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, trên 92% lao động có việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

Ông Nguyễn Phước Hữu (người dân xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) tâm sự, gia đình ông không có đất sản xuất nên trước kia luôn thuộc diện hộ nghèo. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề theo mô hình đan đát, thủ công mỹ nghệ, đời sống đã khá hơn trước và gia đình ông đã thoát nghèo cuối năm 2022.

Tương tự, bà Huỳnh Thanh Nhanh ở xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm) thông tin, hiện nay trung bình mỗi tháng bà có thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng từ đan đát thủ công mỹ nghệ từ cây năn tượng. “Lúc đầu học nghề còn hơi lúng túng do chưa quen tay, đến khi quen rồi thì đan nhanh lắm. Hiện tôi thu nhập từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Tuy thu nhập không cao nhưng lại ổn định và phù hợp với lứa tuổi”, bà Nhanh cho biết thêm.

Chị Huỳnh Thị Miễn, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới cho biết, thời gian qua, nghề thủ công mỹ nghệ này đã gắn bó với Nhân dân nơi đây. Người dân trong ấp phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề. Có thu nhập, đời sống của bà con khá giả hơn trước. Hiện nay ấp có trên 250 hộ dân, trong đó có 90% hộ làm nghề đan thủ công mỹ nghệ (đan lục bình), mỗi hộ có từ 1 đến 3 nhân khẩu tham gia, với thu nhập trung bình một người từ 80.000-150.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm cho biết: Đơn vị phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã đã tăng cường rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, thống kê phân loại để có kế hoạch lựa chọn đào tạo những ngành nghề thiết thực với nhu cầu, thực tiễn của người dân địa phương. Để nâng cao hiệu quả từ đào tạo nghề, địa phương cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.

Tỉnh Sóc Trăng tổ chức dạy nghề gắn với nhu cầu lao động
Tỉnh Sóc Trăng chú trọng tổ chức dạy nghề gắn với nhu cầu lao động

Dạy nghề gắn với nhu cầu lao động

Trao đổi với báo chí, bà Lục Bích Thủy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, đánh giá: Nhờ triển khai thực hiện Tiểu dự án 3, công tác dạy nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhìn chung đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các lớp được mở theo nhu cầu của người học, sau khi học xong đa số lao động có việc làm, có thu nhập ổn định; người học nghề có thể áp dụng trực tiếp những kiến thức đã học trong công việc; giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Chương trình số 59-CTr/TU của Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2025, tỉnh phấn đấu tuyển sinh, đào tạo khoảng 16.000 người; trong đó có 25% số lao động được đào tạo thuộc nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; trên 90% lao động sau đào tạo có việc làm; 65% người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Hướng tới mục tiêu đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh triển khai có hiểu quả Tiểu dự án 3; xây dựng nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng nguồn lao động, đào tạo nghề ở địa phương, trong đó, triển khai kế hoạch thu thập, cập nhật thông tin về nguồn lao động trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tăng cường truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò ý nghĩa, các chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho người lao động nhằm thu hút thêm nhiều nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng để tăng số lượng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường việc gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động sau khi hoàn thành các lớp đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, Sở tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, góp phần cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Được biết, ước tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 32,00%. Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng từ ngân sách nhà nước thuộc Tiểu dự án 3: tuyển sinh được 10.948 người lao động vùng đồng bào DTTS; đã tốt nghiệp 9.948 người; trong đó, 9.848 người đã có việc làm sau đào tạo, chiếm 98,99%/tổng số người tốt nghiệp.

Tin cùng chuyên mục