Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai có 18 buồng bệnh thì có đến 10 buồng dành để điều trị bệnh nhi mắc bệnh CTM. Các bác sĩ tại đây cho biết, mọi năm bệnh CTM thường khởi phát vào khoảng tháng 9; tuy nhiên, năm nay bệnh xuất hiện sớm hơn. Trong 1 tháng qua, Bệnh viện đã khám và điều trị cho gần 200 bệnh nhi mắc bệnh CTM, tăng cao so với những năm trước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho biết: So với mọi năm thì năm nay bệnh CTM nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu do Virus nhưng có sự gia tăng tình trạng bội nhiễm.
“Những trường hợp bệnh nhi vào điều trị tại đây đều ở mức độ 2 trở lên. Các triệu chứng như sốt cao, nổi nhiều mụn nước, một số bạn kèm các triệu chứng về đường tiêu hóa như nôn, tiêu chảy… Bệnh CTM là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện các bước như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Đặc biệt trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi, bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày...”, bác sĩ Thúy khuyến cáo.
Cùng với bệnh CTM thì bệnh VNNB cũng có chiều hướng gia tăng tại Lào Cai. Đây là loại bệnh nguy hiểm, mặc dù đã có văc xin phòng bệnh, tuy nhiên, do chủ quan nên việc tiêm phòng cho trẻ vẫn chưa được nhiều gia đình chú trọng dẫn đến tình trạng trẻ mắc bệnh.
Theo Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai, triệu chứng của bệnh VNNB rất nguy hiểm như sốt cao và đi vào hôn mê, do đó khi không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng nghiêm trọng.
“Để phòng bệnh VNNB, các bậc cha mẹ cần đưa con em mình đi tiêm phòng đầy đủ; cùng với đó cần có thói quen nằm màn để tránh muỗi đốt. Các gia đình không nên để các chậu, lu nước đọng quanh nhà tránh sinh lăng quăng (bọ gậy), sinh ra muỗi truyền bệnh VNNB”.
Cũng theo Bác sĩ Khánh, hiện nay nguy cơ kháng thuốc kháng sinh đối với bệnh nhi là rất cao. Nguyên nhân do khi con ốm, bố mẹ thường tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà, khi tình trạng bệnh nặng hơn hoặc không thấy con khỏi mới cho trẻ nhập viện.
Tại Bệnh viện Sản-Nhi Lào Cai, kháng sinh đồ là phương pháp đã được sử dụng từ lâu để xác định loại kháng sinh còn nhạy với vi khuẩn gây bệnh và mức độ nhạy của kháng sinh đối với vi khuẩn đó để bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị; hoặc khi các vi khuẩn gây bệnh “nhờn” kháng sinh sẽ lựa chọn kháng sinh tối ưu để điều trị.
“Có khoảng 30% trẻ điều trị nội trú tại bệnh viện sau khi chúng tôi làm kháng sinh đồ có kết quả kháng kháng sinh. Nhiều trẻ kháng hầu hết các nhóm kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị. Đối với những trẻ này, khi điều trị phải sử dụng kháng sinh mới, mạnh hơn, điều trị dài ngày nên rất ảnh hưởng tới sức khỏe và tốn kém hơn”, bác sĩ Khánh cảnh báo.
Để phòng ngừa tình trạng kháng kháng sinh, theo bác sĩ Khánh thì, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Các bác sĩ cần tuân thủ nguyên tắc kê toa thuốc; người nhà và bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc kháng sinh mà phải tuân thủ theo quy trình điều trị của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi. Dược sĩ cũng cần bán thuốc theo đơn và tư vấn sử dụng kháng sinh đúng cách cho người bệnh.
Có khoảng 30% trẻ điều trị nội trú tại bệnh viện sau khi chúng tôi làm kháng sinh đồ có kết quả kháng kháng sinh. Nhiều trẻ kháng hầu hết các nhóm kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị. Đối với những trẻ này, khi điều trị phải sử dụng kháng sinh mới, mạnh hơn, điều trị dài ngày nên rất ảnh hưởng tới sức khỏe và tốn kém hơn”
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai