Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng tăng trở lại tại Lào, Nhật Bản đối mặt với làn sóng dịch thứ 5

PV - 10:28, 06/09/2021

Đến sáng 6/9, thế giới có trên 221,49 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,58 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 221,49 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 221,49 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 40,79 triệu ca mắc và hơn 666.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 25.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sự lây lan của biến thể Delta cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp tại các bang miền Nam nước Mỹ đã gây ra làn sóng COVID-19 mới tại nước này và khiến số ca nhập viện tăng cao. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là các bệnh viện tại Mỹ hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu y tá trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều y tá xin nghỉ việc, nghỉ hưu, mệt mỏi hoặc mất tinh thần do dịch bệnh COVID-19. Cuộc khủng hoảng này đã buộc nhiều bệnh viện tại Mỹ phải tốn kém hơn để thuê thêm đội ngũ ngân viên y tá từ các bang khác. Hiện mức lương y tá thuê từ các bang khác đã tăng lên khoảng từ 3.000 đến 5.000 USD/tuần, thay vì 1.000 đến 2.000 USD/tuần như thời điểm trước.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/9, nước này ghi nhận hơn 39.500 ca mắc mới COVID-19 và 218 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, xét nghiệm nước thải có thể báo trước thời điểm bùng dịch COVID-19 một tháng. Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết, có những bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng nên rất khó dự đoán mô hình lây lan. Do vậy, họ đã tiến hành phân tích nước thải ở một số thành phố của Ấn Độ. Từ sự xuất hiện của virus trong nước thải, họ có thể đưa ra dự báo về làn sóng dịch tiếp theo, ít nhất là trước 30 ngày. Những phân tích này cũng được đánh giá là hữu ích trong việc xác định các biến thể mới, chẳng hạn như biến thể Delta đang lây lan nhanh trên toàn cầu.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 12.900 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 583.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số gần 20,9 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 5/9, Nga đã ghi nhận thêm 18.645 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở nước này lên trên 7 triệu trường hợp. Ngoài ra, Nga ghi nhận thêm 793 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng tại đây lên 187.200 trường hợp.

Theo số liệu riêng của Cơ quan thống kê nhà nước Rosstat của Nga, chỉ trong thời gian từ tháng 4/2020 - 7/2021, nước này đã ghi nhận tới 365.000 ca tử vong do COVID-19 hoặc các nguyên nhân liên quan đến COVID-19. Theo dữ liệu của Rosstat, số ca tử vong vượt mức ở Nga, mà một số nhà dịch tễ học cho là cách tốt nhất để tính toán số người chết trong một trận đại dịch, đã lên tới 528.000 người tính đến tháng 7 vừa qua.

Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, dịch bệnh COVID-19 hiện nay không thể bị triệt tiêu hoàn toàn nhưng cho rằng, khi đạt được mục tiêu tiêm chủng, người dân nước này có thể tự do đi lại. Trả lời báo Herald Sun, nhà lãnh đạo Australia cho rằng, người dân có thể lên kế hoạch đón Giáng sinh năm 2021 với người thân bởi với tốc độ tiêm chủng hiện nay, nước này có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

Bang New South Wales của Australia mới đây đã dựng các lều cách ly tạm thời cho khoảng 30 hộ gia đình. Các lều cách ly này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus đối với các gia đình nhiều thế hệ. Trước đó, bang này đã phải dựng các lều tạm thời dành cho điều trị bệnh nhân COVID-19 khi các bệnh viện quá tải. Bang New South Wales đã trải qua hơn 2 tháng phong tỏa cứng, dự kiến hết hạn 10/9 tới, song số ca nhiễm vẫn liên tục tăng cao. Hôm qua, bang này ghi nhận 1.485 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Nhóm cố vấn về vaccine của Chính phủ Anh đã đưa ra khuyến nghị chưa nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em khỏe mạnh trong độ tuổi từ 12 đến 15. Theo nhóm cố vấn thuộc Liên Ủy ban về vaccine và miễn dịch Anh, các thông tin về bệnh viêm cơ tim ở người trẻ sau khi tiêm vaccine Pfizer cho thấy bệnh thường nhẹ. Liên Ủy ban vẫn muốn chờ có thêm thông tin về tác động trung và dài hạn của bệnh này trước khi khuyến nghị tiêm cho trẻ em khỏe mạnh.

Tuy nhiên, Liên Ủy ban về vaccine và miễn dịch Anh vẫn khuyến nghị, riêng trẻ em có bệnh nền nên được tiêm vaccine vì dễ bị tổn thương nặng khi mắc COVID-19. Thực tế ở Anh cho thấy, tỷ lệ lây lan COVID-19 trong trẻ em có thể cao, nhưng trẻ em ít khi bị bệnh nặng.

Năm học mới đã bắt đầu ở Anh trong tuần này. Khai giảng trong khi số ca COVID-19 tăng trở lại nên các trường học đều phải tiến hành xét nghiệm quy mô để đảm bảo sự an toàn cho tất cả giáo viên và học sinh khi tựu trường. Ngoài việc xét nghiệm tại trường, học sinh ở Anh cũng được yêu cầu xét nghiệm tại nhà.

Hiện Anh mới chỉ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên 16 tuổi, trong khi tỷ lệ tăng ca mắc của Anh đang cao hàng đầu châu Âu với hơn 30.000 ca mới mỗi ngày. Tuy nhiên, số ca nhập viện và tử vong tiếp tục ở mức thấp hơn so với các đợt dịch trước nhờ 4/5 người trưởng thành đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Bộ Y tế Lào ngày 5/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 172 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 15.933 ca, trong đó có 16 trường hợp tử vong. Theo Bộ Y tế Lào, diễn biến dịch tại nước này đang tiếp tục phức tạp và đáng lo ngại khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng đang tăng trở lại trên khắp cả nước. Đáng chú ý, Savannakhet vẫn là tỉnh có nhiều ca mắc trong cộng đồng nhất cả nước với 21 ca, tiếp đến là tỉnh Champasak (13 ca), những trường hợp còn lại được ghi nhận rải rác tại các tỉnh khác của nước này.

Nguy cơ biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, nhất là tại các địa phương giáp biên giới với Thái Lan đang là mối lo lớn tại Campuchia. Giới chức nước này đã buộc phải triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh dọc tuyến biên giới giáp với Thái Lan.

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Campuchia là trường hợp nhập cảnh vào ngày 31/3. Đến nay, nước này đã ghi nhận trên 2.000 trường hợp nhiễm biến thể Delta tại 23/25 tỉnh/thành trên toàn quốc. Các trường hợp mắc biến thể Delta chủ yếu là nhập cảnh, nhất là số lao động Campuchia từ Thái Lan trở về nước.

Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, một số địa phương có số ca nhiễm biến thể Delta cao như thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh giáp biên giới với Thái Lan như Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Koh Kong... Nhiều khu vực tại các tỉnh này thuộc diện nguy cơ cao, phải duy trì giãn cách xã hội và phong tỏa sau khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm biến thể Delta. Campuchia cũng đã triển khai bệnh viện riêng để điều trị cho bệnh nhân mắc biến thể Delta nhằm kiểm soát lây lan.

Số ca mắc tăng nhanh đã khiến hệ thống y tế nhiều quốc gia rơi vào tình trạng quá tải. Tại Malaysia. các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại một số bang nước này đang bị quá tải. Tỷ lệ sử dụng các phòng chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc đã là 86%, một số bang vượt công suất như tại Kedah là 123%, Perak 108%. Trong khi tại Selangor, con số này là 96%. Số người tử vong vì COVID-19 ở Malaysia cũng ở mức báo động, tăng 7% trong 7 ngày gần nhất. Chính phủ Malaysia đã tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc.

Indonesia đã có một cách giảm tải cho hệ thống y tế trên bộ, đó là chuyển đổi 5 phà cỡ lớn thành các khu vực cách ly, cơ sở tiêm chủng từ tháng 9 này. Các phà được sử dụng để cách ly bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, tổng quy mô lên tới 3.000 giường bệnh. Đây cũng là giải pháp tạm thời ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta tại các tỉnh thành bên ngoài đảo Java và Bali, khu vực không có đủ các cơ sở cách ly, các bệnh viện quá tải. Một số tàu phà chở khách cũng được sử dụng làm địa điểm tiêm chủng.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến kéo dài tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AP)
Chính phủ Nhật Bản dự kiến kéo dài tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AP)

Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 bằng mã QR thông qua một ứng dụng trên điện thoại từ tháng 12 năm nay. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ chính thức phê chuẩn "hộ chiếu vaccine kỹ thuật số" tại một hội nghị thúc đẩy xã hội số có sự tham dự của Thủ tướng Suga Yoshihide và các Bộ trưởng trong nội các vào ngày 6/9.

Đây sẽ là một hệ thống tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Chứng nhận tiêm chủng bằng mã QR sẽ được xem xét để sử dụng ở trong nước cho các mục đích như du lịch hay tham gia các sự kiện. Hiện nay, chính quyền các địa phương ở Nhật Bản vẫn cấp giấy chứng nhận tiêm chủng bằng văn bản. Giấy chứng nhận này được cấp chủ yếu nhằm tạo thuận lợi cho người dân Nhật Bản khi đi ra nước ngoài.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và các khu vực lân cận cho đến tuần cuối cùng của tháng 9 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tháng 8, Nhật Bản đã mở rộng tình trạng khẩn cấp đến ngày 12/9, tác động tới khoảng 80% dân số. Tuy nhiên, số lượng các ca mắc COVID-19 và sự căng thẳng của hệ thống y tế vẫn chưa giảm bớt để cho phép các hạn chế được dỡ bỏ. Đó là lý do nhà chức trách Nhật Bản có kế hoạch gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm khoảng hai tuần. Việc này cũng nhằm hạn chế hoạt động đi lại của người dân bởi trong thời gian sắp tới, Nhật Bản sẽ có 2 ngày nghỉ lễ. Hiện Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 5 do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Dịch bệnh tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp với hơn 16.000 ca nhiễm mới/ngày. Kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, tỷ lệ tử vong trong số những người có bệnh lý nền cao hơn 5,6 lần so với những người không mắc bệnh. Cụ thể, tỷ lệ tử vong trong số những người có một trong số 9 bệnh lý nền (như huyết áp cao, ung thư, tiểu đường, béo phì, thận mãn tính, tắc nghẽn phổi mãn tính...) lên tới 2,28%, trong khi tỷ lệ này ở những người khác chỉ là 0,41%. Trong số khoảng 322.000 bệnh nhân COVID-19 đăng ký trên hệ thống quản lý dữ liệu trong quý II, có gần 103.000 người mắc một trong 9 bệnh lý nền.

Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc cho biết đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đối với một loại thuốc điều trị COVID-19 được phát triển từ huyết tương của các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. Theo các chuyên gia Trung Quốc, loại thuốc này sẽ có hiệu quả: trong việc chữa trị cho những bệnh nhân nguy kịch. Thuốc hoạt động dựa trên nguyên tắc sử dụng các kháng thể để vô hiệu hóa virus. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, chi phí điều trị bằng thuốc này có thể sẽ khá cao.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.