Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gương sáng

Siu Thưm - Chàng trai Gia Rai yêu văn hóa dân tộc

Ngọc Thu - 21:26, 17/05/2023

Với niềm đam mê bất tận về âm nhạc dân tộc, chàng trai dân tộc Gia Rai - Siu Thưm (SN 1983, làng 50, Tp. Pleiku, Gia Lai) không chỉ tài năng trong hát dân ca, chơi nhạc cụ, mà còn thành lập một đội cồng chiêng, truyền dạy âm nhạc, trình diễn trong các lễ hội. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đang dần mai một trong thế hệ trẻ.

Anh Siu Thưm truyền dạy đánh đàn đá cho thanh niên trong làng 50, TP. Pleiku.
Anh Siu Thưm truyền dạy đánh đàn đá cho thanh niên trong làng 50, Tp. Pleiku.

Cuộc sống của người Gia Rai trên đại ngàn Tây Nguyên luôn gắn liền với những câu hát, làn điệu dân ca quen thuộc. Cũng như bao đứa trẻ Gia Rai khác, Siu Thưm lớn lên trong những làn điệu dân ca của cha mẹ, ông bà. Từ đó, chàng trai đã mang trong mình tình yêu văn hoá dân tộc Gia Rai sâu đậm. 15 tuổi, Siu Thưm đã thuộc làu cách đánh các loại đàn và những bài dân ca Gia Rai ngọt ngào.

Niềm đam mê, tình yêu văn hóa dân tộc ngày một lớn dần trong chàng trai Siu Thưm, để rồi từ đó, anh ngày đêm mày mò tìm hiểu các loại đàn, nhạc cụ dân tộc. Siu Thưm sưu tầm nhiều loại nhạc cụ như đàn đá, đàn T’rưng… và học hỏi cách làm, chế tác nhạc cụ từ các thế hệ đi trước.

Đặc biệt, đàn T’rưng là một trong những loại nhạc cụ anh say mê chế tác. Theo Siu Thưm, đàn T’rưng được xếp vào loại nhạc cụ thân vang, được hợp thành từ nhiều ống nhỏ. Những ống đàn này được làm từ ống nứa khô, có độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau.

Những chiếc đàn T’rưng này tùy to hay nhỏ, có thể có từ 13 - 16 ống, âm thanh phát ra phải chuẩn và điều đó phụ thuộc vào mỗi người làm. Để làm được một cây đàn T’rưng không hề đơn giản. Ngày xưa, dân làng phải đi chặt tre rồi mang ngâm dưới bùn ao đến 3 năm mới mang lên để làm đàn. Bây giờ thì nhanh gọn hơn, có thể làm chỉ trong 1 ngày là xong, nhưng nguyên liệu để làm thì phải chuẩn bị gần 4 tháng.

Không chỉ thế, khi đàn đá đang là loại đàn mới lạ với người dân trong làng, thì anh Siu Thưm đã lên tỉnh Kon Tum mua về để dạy cho lớp trẻ cùng học đánh. Âm thanh trong trẻo của đàn đá hòa với âm thanh rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đàn T’rưng đã tạo lên một bản nhạc núi rừng hấp dẫn, thu hút bao người. Anh Thưm cho biết: “Mỗi lần làm như vậy, nhiều thanh niên trong làng cũng đến xem và học theo cách đánh và chế tác nhạc cụ. Mình cũng mong muốn thanh niên trẻ trong các làng ngày nay hãy giữ truyền thống của dân tộc mình”.

Đội cồng chiêng hơn 40 thành viên làng 50, TP. Pleiku trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2023
Đội cồng chiêng hơn 40 thành viên làng 50, Tp. Pleiku trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2023

Khi thấy lớp trẻ có chung đam mê văn hóa dân tộc, anh Thưm đã thành lập đội cồng chiêng làng K50 với hơn 40 thành viên. Các thành viên đều được anh Thưm truyền dạy, cùng nhau hăng say luyện tập hát dân ca và chơi nhạc cụ. Trong các lễ hội của làng hay Ngày hội văn hoá các dân tộc, đội cồng chiêng luôn được mời đến để trình diễn âm nhạc, góp phần ngày hội càng thêm rộn ràng, ý nghĩa.

Em Rcom H’Yến (làng 50, Tp. Pleiku) chia sẻ: “Nhờ có anh Thưm truyền dạy, chúng em biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, thỏa niềm đam mê âm nhạc. Anh Thưm cũng giúp em và những thành viên trong đội cồng chiêng đi trình diễn trong các ngày hội văn hóa. Những dịp như vậy, chúng em không chỉ được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm, mà còn là cơ hội giới thiệu cho mọi người biết và hiểu thêm về sự phong phú, độc đáo của văn hóa Gia Rai”.

Vùng đất Tây Nguyên có những thanh niên tài năng như anh Siu Thưm sẽ góp phần cho sự bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín ở Chư Pưh góp sức đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Người có uy tín ở Chư Pưh góp sức đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tiên phong đi đầu trên các lĩnh vực hoạt động phong trào thi đua ở cơ sở, những năm gần đây, Người có uy tín ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) còn đang tích cực góp sức trong việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS.