Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sau 3 năm thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn ở Bình Định: Nhiều chuyển biến tích cực

PV - 15:56, 03/01/2019

Sau 3 năm triển khai Đề án phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, tình trạng tảo hôn tại các huyện miền núi Bình Định đã giảm đáng kể. Kết quả này đã góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực tại vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.

Kết quả khả quan

Ban Dân tộc tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Ðề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2016-2020” (sau đây gọi tắt là Đề án).

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, để thực hiện Đề án, Bình Định đã làm điểm 2 mô hình tại xã Vĩnh Sơn và Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh. Theo đó, tại các mô hình điểm này có những chuyển biến tích cực, tạo nhận thức mới trong đồng bào DTTS về ý thức tuân thủ pháp luật. Từ đó, góp phần chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, hạn chế dần tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Số vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã đã giảm khoảng 50%, học sinh bỏ học do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm còn 67% so với năm 2016. Điều đó cho thấy hiệu quả rõ rệt của các hoạt động mô hình điểm.

Từ những thành công ban đầu, Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh đã nhân rộng mô hình ra 20 xã, thị trấn có tỷ lệ tảo hôn cao và 3 trường PT DTNT tại 3 huyện: Vân Canh, Hoài Ân, An Lão. Bằng việc xây dựng các mô hình, chính quyền các xã, thị trấn, các trường có những kế hoạch, phương án cụ thể nhằm thực hiện tốt việc giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

 Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Bình Định thường xuyên xuống các làng để tuyên truyền, vận động. Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Bình Định thường xuyên xuống các làng để tuyên truyền, vận động.

Chính quyền địa phương cũng nâng cao trách nhiệm của các làng, thôn, gia đình khi đưa các chỉ tiêu liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước, ký cam kết thi đua không vi phạm. Trong năm 2018, xã Vĩnh Sơn đã ký cam kết với Ban Dân tộc tỉnh không vi phạm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 6 làng. Theo UBND xã Vĩnh Sơn, đây là cơ sở để chính quyền địa phương phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động, lập biên bản đình chỉ, xử phạt hành chính theo quy định... khi phát hiện các trường hợp kết hôn khi chưa đúng tuổi. Sự kiên quyết này có tính răn đe, giáo dục đối với các trường hợp khác.

Tiếp tục kiên trì vận động

Nhờ các biện pháp tuyên truyền, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS ở Bình Định đã có bước chuyển biến trong nhận thức. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng này, vẫn cần cả một quá trình tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Theo các chuyên gia, trong quá trình tuyên truyền, rất cần những câu chuyện làm gương từ những người DTTS có uy tín, học tập thành đạt và kết hôn đúng tuổi.

Bà Đinh Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn, cho rằng: “Cán bộ làm công tác vận động phải tích cực bám cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; nêu gương người tốt việc tốt trong thực hiện Luật Hôn nhân Gia đình và các lĩnh vực khác để thay đổi nhận thức. Về phía phụ nữ, chúng tôi luôn tuyên truyền, nhắc nhở chị em quan tâm đến con cái, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng để chị em hiểu hơn về tâm lý, sự phát triển của con em mình trong giai đoạn dậy thì, từ đó gần gũi động viên và kịp thời uốn nắn các con biết làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống trước khi bước vào tuổi trưởng thành”.

Công tác ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cần có sự phối hợp từ nhiều phía: gia đình-nhà trường-xã hội. Sau 3 năm thực hiện Đề án, Trường PT DTNT Vĩnh Thạnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó có thành lập tổ tư vấn, phát huy năng lực của giáo viên trong tư vấn tâm lý, can thiệp; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền...

Ông Lê Văn Dưỡng, giáo viên Trường PT DTNT Vĩnh Thạnh bày tỏ: “Công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh DTTS vẫn còn khó khăn nhất định. Học sinh thường không cởi mở với thầy cô và cha mẹ, chủ yếu tâm sự với bạn bè, thậm chí tự giải quyết sự việc một cách tiêu cực. Muốn các em cởi mở, tin tưởng chia sẻ, cần phải có thời gian tiếp xúc, tác động. Trong khi đó, việc đào tạo nhân lực phục vụ cho hoạt động này chưa được bài bản, quỹ thời gian và cơ sở vật chất của giáo viên, nhà trường phục vụ cho công tác vẫn còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế”.

Giải pháp về lâu dài cần phát triển kinh tế-xã hội, có các chính sách giảm nghèo, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các sân chơi lành mạnh tại các vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, vận động người dân hướng tới nếp sống văn minh, văn hóa; phát huy vai trò của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.