Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sạt lở, lũ quét… đến kỳ lại lo

An Yên - 21:14, 24/08/2024

Hàng trăm điểm sạt lở nguy hiểm, chưa có kinh phí khắc phục, di dời dân… không chỉ là nỗi lo canh cánh của cấp ủy, chính quyền, mà còn là nỗi bất an của hàng ngàn hộ dân khu vực miền núi xứ Nghệ. Lại một mùa mưa bão cận kề, nỗi lo từ nhiều năm trước, hầu như vẫn còn nguyên.

Người dân vùng lũ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa thể tái định cư
Người dân vùng lũ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa thể tái định cư

“Sống treo” bên vùng sạt lở

Nếu vùng núi Nghệ An tự nhận mình là số 2 về tình trạng sạt lở, lũ quét trong mùa mưa bão… thì có lẽ, không có địa phương nào ở vùng Trung Bộ nhận mình là số 1.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Nghệ An Nguyễn Trường Thành bảo: Cả tỉnh đang có đến gần 280 điểm sạt lở ở vùng DTTS, là những điểm đen đầy bất an, ảnh hưởng đến hơn 3.500 hộ dân.

Tính ra, nhiều huyện vùng miền núi Nghệ An, mỗi huyện có đến hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm. Dẫn đầu danh sách những điểm sạt trượt nguy cơ cao phải kể đến, là huyện miền núi Quỳ Hợp với 56 vị trí, Anh Sơn 45 vị trí, Quế Phong và Tương Dương cùng 43 vị trí, Quỳ Châu 39 vị trí…

Lấy ví dụ từ huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Địa phương này đang “sở hữu” nhiều vị trí sạt lở khiến người dân và chính quyền bất an, lo lắng. Nằm trong số này là người dân bản Sơn Hà và Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Trận lũ quét cuối năm 2022 vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh trong tâm khảm những người dân bản Thái. Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vi Văn Mằn tâm sự: Hai năm rồi, người dân vẫn chưa thể di dời do hạ tầng tái định cư chưa hoàn thiện. Mỗi mùa mưa bão đến, chúng tôi lại lo lắng không yên.

Tình trạng “sống treo” bên vùng sạt lở, cũng là câu chuyện ở nhiều bản, làng miền núi xứ Nghệ. Ông Võ Khánh Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (Quế Phong) cho biết: Địa bàn xã Tiền Phong hiện có 8 điểm sạt lở núi, tập trung ở các bản Huồng Muồng, Na Sành, Mường Hin, bản Đan… làm ảnh hưởng trực tiếp đến gần 40 hộ dân. Sau các đợt mưa từ đầu tháng 6/2024 đến nay, xã đã tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở, cảnh báo.

Quá trình tìm hiểu, được biết, nguy cơ lũ ống, lũ quét từ các điểm sạt lở ở khu vực núi cao là do nền đất yếu, kết cấu không chặt, gặp mưa lớn đã gây ra thảm họa cho người dân sinh sống bên dưới. Mà thảm họa lũ quét ở Nậm Giải năm 2007, Tà Cạ năm 2022, Quỳ Châu năm 2023… là những ví dụ sát sườn.

Tiến hành kè rọ đá chống sạt lở trên trên tuyến đường đi qua các xã Xá Lượng, Yên Na, Yên Hòa… huyện Tương Dương
Tiến hành kè rọ đá chống sạt lở trên trên tuyến đường đi qua các xã Xá Lượng, Yên Na, Yên Hòa… huyện Tương Dương

Bất an, lo lắng, khiếp sợ… là những động từ mạnh mà chúng tôi cảm nhận được từ chính những người dân ngày ngày sống trong vùng sạt lở. Dẫu vậy, thì với họ, với ngay cả cấp chính quyền sở tại, cũng “lực bất tòng tâm”.

Có một vấn đề còn trăn trở không kém, là những thiệt hại về kinh tế, lên đến hàng trăm tỷ đồng, vượt xa cả nguồn thu mỗi năm của những huyện miền núi nghèo. Chẳng thế mà, ông Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Huyện ủy huyện Quỳ Châu đã từng thảng thốt: Đúng là thảm họa; huyện miền núi Quỳ Châu chưa bao giờ lũ lụt to đến vậy, gây thiệt hại nặng đến vậy. Tính ra, trận lũ năm 2023, huyện mất chừng 180 tỷ đồng để khắc phục. Còn Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe thì cho rằng: Thiên tai đang làm cho huyện nghèo thêm.

Đích đến… còn xa

Mỗi năm, ngân sách của UBND tỉnh Nghệ An, cũng như các huyện miền núi chi cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai dường như chỉ là “muối bỏ biển”.

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã dành trên 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn để hỗ trợ một số dự án di dân tập trung.

Hiện tại, do nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên toàn tỉnh là rất lớn, vì vậy, trong quá trình thực hiện vừa phải cân đối ngân sách, vừa dựa vào điều kiện thực tế, lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình để thực hiện một cách phù hợp… thành ra không dễ dàng triển khai.

Còn nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, cũng đã đầu tư, bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở tại các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương… nhưng do vướng nhiều thủ tục đầu tư, xây dựng nên hiện nay vẫn đang rất ngổn ngang.

Thiếu nguồn lực, trong khi thiên tai thì không hề chờ kinh phí. Vì vậy, tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 214/QĐ-UBND ngày 21/01/2020 phê duyệt quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn đến năm 2030.

Điểm sạt lở núi tại bản Mường Hin, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Chụp ngày 13/6)
Điểm sạt lở núi tại bản Mường Hin, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. (Ảnh chụp ngày 13/6)

Việc quy hoạch này dựa trên quan điểm phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, quy hoạch tỉnh; đảm bảo an toàn dân sinh, ổn định sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng miền, địa phương. Trong đó, ưu tiên các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên bố trí theo hình thức xen ghép, ổn định tại chỗ, trong trường hợp không thể bố trí được mới bố trí, sắp xếp đến thôn, bản khác.

Mục tiêu của chương trình này, là đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc bố trí dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh, ổn định cho Nhân dân vùng tái định cư, nâng cao đời sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Cụ thể, đến năm 2030 sẽ bố trí, sắp xếp ổn định cho 8.938 hộ, 38.405 nhân khẩu.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch số 635/KH-UBND về việc phê duyệt Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du trên địa bàn. Bằng kế hoạch này, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét, có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn tại các vị trí, khu vực rủi ro cao trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, duy trì ứng dụng các sản phẩm của đề án tại địa phương nhằm cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho cơ quan quản lý và người dân.

Đó là những nỗ lực cho ổn định dân cư, hạn chế thiệt hại do thiên tai. Nhưng đích đến xem ra hãy còn xa và còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn kinh phí. Trong khi còn chờ rất nhiều thứ, thì với hàng ngàn người dân vùng miền núi xứ Nghệ, hễ mưa bão là phải di dời...

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.