Về chủ đề nội dung: Các chương trình, tiết mục, vở diễn tham gia Liên hoan cần có chủ đề và nội dung rõ ràng; ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; không trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khuyến khích xây dựng chương trình, tác phẩm mang bản sắc văn hoá các dân tộc, vùng, miền, thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Về loại hình, thể loại chương trình, tác phẩm và hình thức biểu diễn: Giao hưởng, Nhạc kịch, Thanh xướng kịch, Broadway, Opera…
Các thể loại múa như: kịch múa (vũ kịch), thơ múa, tổ khúc múa và tác phẩm múa ngắn với các hình thức biểu diễn múa ít người và múa tập thể.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển phù hợp. Đây chính là "sân chơi" lớn chờ đợi những tài năng, nơi để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, làm mới, đa dạng hóa hình thức trình diễn, mang dấu ấn vùng miền cũng như phong cách cá nhân.
Trước đó (năm 2021), Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc (đợt 1) đã diễn ra tại TP. Hải Phòng với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên thuộc 19 đơn vị tham dự 19 chương trình nghệ thuật. Ban Tổ chức đã trao 14 Huy chương gồm 6 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho chương trình của các đơn vị nghệ thuật.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc (đợt 2) diễn ra vào tháng 6/2022 tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật ca, múa, nhạc chuyên nghiệp trên cả nước tham gia. Ban Tổ chức đã trao 3 Giải Xuất sắc cho các tác phẩm vở Ballet "Hàm Lệ Minh Châu" của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; vở Vũ Kịch "Kiều" của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh và vở Nhạc kịch "Người cầm lái" của Nhà hát Công an nhân dân; Ban Tổ chức cũng đã trao 7 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng cho các chương trình, vở diễn; 45 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng cho giải Tiết mục, diễn viên.