Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sáng tạo, hội nhập, đưa Tuyên Quang phát triển bền vững

Hồng Phúc - Việt Hà - 22:33, 09/10/2020

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 12 - 15/10. Trước thềm Đại hội, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh về những kết quả quan trọng mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Một góc thành phố Tuyên Quang
Một góc thành phố Tuyên Quang

Thưa đồng chí, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)? 

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, bám sát các mục tiêu Nghị quyết của Đại hội, vận dụng đúng đắn, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, có nhiều chỉ tiêu vượt ở mức cao.

Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, khai thác và phát huy có hiệu quả một số tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỉnh đã thu hút được các dự án công nghiệp có quy mô lớn như: Công ty CP Woodsland, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn DABACO, Tập đoàn Mường Thanh... Đặc biệt, môi trường đầu tư của tỉnh có chuyển biến tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 32 (tăng 16 bậc so với năm 2015); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 16 (tăng 33 bậc so với năm 2015); chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) xếp thứ 36; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 26 trong 63 tỉnh, thành phố. 

Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) được Nhân dân đồng thuận ủng hộ với sự nỗ lực cao và nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả tích cực; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 2,67 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,55 lần so với năm 2015); dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, số tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã.

Trong 5 năm, đã tạo việc làm cho trên 114.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45% năm 2015 lên 60% năm 2019, trong đó lao động có bằng, có chứng chỉ nghề tăng từ 27% lên 37%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm trên 3%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang

Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả nổi bật gì thưa đồng chí?

Một trong những dấu ấn quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ, giao việc, nhất là việc mới, việc khó, việc đột phá. Theo đó, từ năm 2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt 25 việc đột phá cho 25 cán bộ thuộc 21 chức danh cán bộ là người đứng đầu cấp ủy đảng, UBND huyện, Giám đốc các sở, ngành. Đặc biệt, đã thực hiện “đặt hàng” với 10 đồng chí, trong đó có 1 đồng chí Giám đốc sở, 5 Bí thư Huyện ủy, 4 Chủ tịch UBND huyện. 

Công tác tổ chức, cán bộ được đặc biệt chú trọng và có nhiều đổi mới theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan. Căn cứ lĩnh vực được phân công phụ trách và kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị, người lãnh đạo phải đăng ký ít nhất 1 việc mang tính đột phá hoặc đổi mới, có sản phẩm cụ thể mang ý nghĩa thiết thực, tạo sự lan tỏa tích cực. Kết quả thực hiện đăng ký này là một nội dung để đánh giá, xem xét mức xếp loại cán bộ hằng năm. 

Với những kết quả đã được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, xin đồng chí cho biết những định hướng lớn của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025?

Trong nhiệm kỳ tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục củng cố và giữ vững vị trí tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, đưa Tuyên Quang trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh ưu tiên thực hiện 3 khâu đột phá, gồm: Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT - XH, ưu tiên hạ tầng giao thông và đô thị động lực theo hướng bền vững, liên kết vùng; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là: Thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH, trong đó ưu tiên cho các khâu đột phá. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển KT-XH. Phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... 

Bên cạnh đó, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khơi dậy truyền thống quê hương cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người đưa Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.