Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sáng kiến “Rô bốt rửa tay sát khuẩn”

Thùy Dung - 10:34, 07/10/2021

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Thiếu tá Lê Mạnh Hùng- Kỹ thuật viên X-Quang, khoa Chuẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Quân y 211 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã sáng kiến ra “Rô bốt rửa tay sát khuẩn” và đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống dịc Covid -19.

Thiếu tá Lê Mạnh Hùng (bên phải) đang hướng dẫn người dân cách sử dụng “Rô bốt rửa tay sát khuẩn”
Thiếu tá Lê Mạnh Hùng (bên phải) đang hướng dẫn người dân cách sử dụng “Rô bốt rửa tay sát khuẩn”

Sáng kiến “Rô bốt rửa tay sát khuẩn” được Thiếu tá Lê Mạnh Hùng thực hiện và đưa vào sử dụng vào tháng 5/2020 tại Bệnh viện Quân y 211. Sau hơn 1 năm, sáng kiến đã mang lại những tín hiệu tích cực, giúp tiết kiệm tối đa nhân lực, bảo vệ môi trường, góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Chia sẻ về sáng kiến trên, Thiếu tá Lê Mạnh Hùng cho biết: “Nhận thấy những khó khăn vất vả của các cán bộ, chiến sĩ trong quá trình hướng dẫn người dân sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi vào khám, chữa bệnh, tôi đã nảy ra sáng kiến trên để giảm thiểu tối đa về sức người và bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, “Rô bốt rửa tay sát khuẩn” có cấu tạo gồm: Máy bơm động cơ điện 1 chiều 2W chạy với ắc quy 12V. Trí tuệ nhân tạo kết hợp với cảm biến hồng ngoại phát ra âm thanh tuyên truyền 5K, đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn. Toàn bộ máy được bố trí trong hộp nhựa kích thước dài 30cm, rộng 20cm, ngang 11cm, có dây nối dài. Có thể sử dụng cố định ở văn phòng, cầu thang máy, hành lang,…

Thiếu tá Lê Mạnh Hùng chia sẻ: “Khi có người tới, rô bốt sẽ phát ra âm thanh nhắc nhở đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn. Nếu người đến đo có nhiệt độ quá 37,5 độ (do cài đặt) thì sẽ phát ra âm thanh nhắc nhở đối tượng kiểm tra y tế bằng dòng chữ đỏ chạy trên màn hình.

“Rô bốt rửa tay sát khuẩn” được Thiếu tá Lê Mạnh Hùng trang bị thêm pin năng lượng mặt trời để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh khi sử dụng ở ngoài trời
“Rô bốt rửa tay sát khuẩn” được Thiếu tá Lê Mạnh Hùng trang bị thêm pin năng lượng mặt trời để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh khi sử dụng ở ngoài trời

Ngoài ra, rô bốt còn có màn hình tuyên truyền về phòng chống Covid-19 giúp người dân trong lúc chờ tới lượt khai báo nắm rõ các quy định. Đồng thời, rô bốt còn có dây cáp kết nối với máy tính để giúp các cán bộ, nhân viên y tế ở khu vực tiếp nhận người khai báo có thể trực tiếp theo dõi thân nhiệt mà không cần phải tiếp xúc gần với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân,…

“Tùy vào tình hình thực tế mà “Rô bốt rửa tay sát khuẩn” phát huy được tối đa vai trò của mình. Đối với việc khai báo y tế ở bệnh viện, rô bốt thực hiện tối đa các nhiệm vụ của mình như sát khuẩn, đo thân nhiệt, tuyên truyền phòng chống Covid-19. Đối với các phòng khám, chữa bệnh, tôi đặt máy rửa tay sát khuẩn nhanh tự động. Ngoài ra, đối với các đơn vị có những hoạt động ngoài trời như ngoài thao trường, tôi thiết kế thêm tấm pin năng lượng mặt trời, để kích hoạt rô bốt thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu tá Lê Mạnh Hùng chia sẻ thêm.

“Rô bốt rửa tay sát khuẩn” được Thiếu tá Lê Mạnh Hùng hoàn thiện trong vòng 5 ngày với tổng kinh phí khoảng 4,5- 6,5 triệu đồng/cái. “Hiện nay, tôi đã tặng 1 máy rửa tay sát khuẩn nhanh tự động cho 1 đơn vị trường học trên địa bàn; tặng một mô hình “Rô bốt rửa tay sát khuẩn” cho Cục quân y. Tính thời điểm này, tôi đã hoàn thành được 8 mô hình rô bốt và 6 máy rửa tay sát khuẩn nhanh tự động”, Thiếu tá Lê Mạnh Hùng chia sẻ.

Trên màn hình, Thiếu tá Lê Mạnh Hùng đã lồng ghép tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng phòng chống dịch Covid-19 để giúp người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch
Trên màn hình, Thiếu tá Lê Mạnh Hùng đã lồng ghép tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng phòng chống dịch Covid-19 để giúp người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch

Cô Mai Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: Sau khi đưa vào sử dụng, máy rửa tay sát khuẩn đã phát huy được tính ứng dụng cao. Có máy sát khuẩn đã giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian và góp phần bảo đảm công tác phòng, chống dịch an toàn.

Với tính ứng dụng cao, phù hợp với môi trường, giúp giảm thiểu tối đa nhân lực và bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, sáng kiến “Rô bốt rửa tay sát khuẩn” đã đạt giải A về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ngành quân y cấp toàn quân, do Cục Quân Y công nhận.

Đại tá Trần Vương Linh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 211 nhận định: “Sáng kiến “Rô bốt rửa tay sát khuẩn” của Thiếu tá Lê Mạnh Hùng đã giúp bệnh viện tiết kiệm nhân lực, giám sát việc thực hiện vệ sinh khử khuẩn, bảo an toàn phòng, chống dịch.”