Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Xe xét nghiệm lưu động ở Cần Thơ - Sáng kiến hữu ích trong mùa dịch

Thiên Đức - 13:30, 17/09/2021

Báo cáo mới đây của Ủy ban Dân tộc về tình hình phòng, chống dịch Covid 19 vùng DTTS, đã nêu gương quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã có mô hình sáng tạo. Đó là mô hình xe xét nghiệm lưu động, đến từng nhà để lấy mẫu.

Lực lượng chức năng đẩy xe lưu động đi xét nghiệm. (Ảnh TL)
Lực lượng chức năng đẩy xe lưu động đi xét nghiệm. (Ảnh TL)

Xe xét nghiệm đến từng nhà

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phực tạp trên địa bàn phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Ngày 23/8, phường Trà Nóc đã phải phong tỏa địa bàn với 4.008 hộ dân/8.357 nhân khẩu.

Sau khi phong tỏa, phường Trà Nóc nhanh chóng thực hiện bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thế nhưng trước đây, việc tiến hành lấy mẫu đều phải tập trung, nên không ít người dân tỏ ra lo lắng bị lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, tình hình này đã được cải thiện, khi chính quyền sử dụng các xe xét nghiệm lưu động

Các xe này được thiết kế khá nhỏ gọn, bên trong xe có chia các ô nhỏ để nhân viên y tế đựng dụng cụ cần thiết. Xe được thiết kế với 4 bánh giúp dễ dàng di chuyển trên mọi điều kiện địa hình, nhất là các ngõ hẻm nhỏ.

Bà Danh Thị Thạch, dân tộc Khmer, 71 tuổi, ngụ ở phường Trà Nóc cho biết, trên địa bàn hiện nay có khá đông đồng bào DTTS sinh sống (hơn 300 hộ, 1.000 nhân khẩu - PV ). Thời gian qua, bà con trong các ấp luôn tuân thủ quy định giãn cách, bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, trước đây, khi gia đình bà Thạch đi xét nghiệm phải tập trung ở 1 điểm cố định, nên mọi người khá lo lắng. Rất may từ 9/9 đến nay, người dân không phải tập trung xét nghiệm nữa, mà nhân viên y tế sẽ tới tận nhà lấy mẫu. Do vậy, người dân phần nào cũng an tâm hơn.

Không chỉ giúp người dân an tâm, mô hình cũng giúp lực lượng y tế đỡ vất vả. Chị Trần Thị Toàn, nhân viên Trạm Y tế phường Trà Nóc cho biết, trước đây, khi chưa có xe lưu động, nhân viên y tế phải cấp tập khuân bê đồ,  mượn bàn ghế mới có thể có chỗ lấy mẫu. Thế nhưng, từ khi có xe lưu động, các thành viên tham gia lấy mẫu không phải khuân vác thiết bị, dụng cụ lấy mẫu, tiết kiệm sức lực, hơn nữa cũng giảm được lực lượng tham gia lấy mẫu.

Có thể nhân rộng

Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP. Cần Thơ, từ ngày 9 - 17/9, quận Bình Thủy tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cộng đồng cho người dân bằng phương pháp PCR.

Chiến dịch xét nghiệm cộng đồng lần này diễn ra trong 3 đợt: Đợt 1 từ 9 - 12/9, đợt 2 từ 12 - 14/9, đợt 3 từ 15 - 17/9. Trong đó, nhóm nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Nhóm nguy cơ, khu vực khác (vùng xanh) lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 1 lần.

Người dân phường Trà Nóc được xét nghiệm tại nhà. (Ảnh TL)
Người dân phường Trà Nóc được xét nghiệm tại nhà. (Ảnh TL)

Ông Trần Thanh Bình cũng cho biết thêm, hiện tại quận có 35 "vùng xanh" trên tổng số 46 khu vực, đạt tỷ lệ 76%; còn lại 24% là khu vực nguy cơ cao, rất cao. Quận sẽ tập trung lấy mẫu để kịp thời phát hiện F0 đưa đến cơ sở điều trị. Song song đó, tiến hành truy vết, khoanh vùng lây, dập dịch và tập trung công tác phòng, chống dịch trên địa bàn để đến ngày 17/9 sẽ hoàn thành chiến dịch.

Để giải quyết vấn đề này một cách an toàn, vừa qua, địa phương đã thiết kế 32 chiếc xe xét nghiệm lưu động để đưa đến các Tổ tự quản tiến hành để lấy mẫu. Nhờ đó, bảo đảm được an toàn cho lực lượng tuyến đầu trong công tác truy vết F0. Đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm giãn cách theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế…

“Trên cơ sở đó, chúng tôi tính toán để chuyển các mẫu PCR đi xét nghiệm, đưa kết quả về kịp thời, để luân phiên các phường với nhau, bảo đảm bình quân 1 ngày lấy mẫu 2.000 người”, ông Bình cho biết.

Có thể nói, những chiếc xe đẩy lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tuy đơn giản, nhưng lạị tỏ ra vô cùng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Mô hình này cũng không đòi hỏi nhiều kinh phí, lại phù hợp với nhiều địa hình dân cư, do đó rất phù hợp với vùng DTTS và miền núi. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương vùng DTTS và miền núi có thể nghiên cứu học hỏi và áp dụng trong công tác phòng chống Covid-19./.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục