Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 22/6, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (200.734.949 ca), tiếp theo là châu Á (160.061.871 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (104.037.644 ca) và Nam Mỹ (58.976.629 ca). Châu Phi (12.255.125 ca) và châu Đại Dương (9.458.697 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.
Tính theo số ca mắc, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 so với khu vực châu Mỹ và thế giới với 88.088.929 ca mắc, trong đó 1.038.502 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 25.147 ca nhiễm COVID-19 mới. Chính phủ Mỹ dự kiến trong tuần này bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Kế hoạch được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna cho lứa tuổi nhỏ nhất này. Theo đó, thêm 19 triệu trẻ em trên toàn nước Mỹ sẽ được tiêm vaccine.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 669.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,75 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tại châu Âu, Đức và Pháp là hai nước ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở mức cao nhất châu lục và thế giới, với lần lượt là 122.597 ca và 95.217 ca, nâng tổng số ca mắc ở hai nước này lần lượt là 27.334.463 ca và 30.276.632 ca.
Tại châu Á, Bộ Y tế Philippines cảnh báo việc số ca mắc COVID-19 tại Philippines tăng liên tục cho thấy bắt đầu một làn sóng dịch mới. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết Philippines đang chứng kiến một xu hướng tương tự với những gì đã xảy ra hồi tháng 9/2021 và tháng 1/2022. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Edsel Maurice Salvana cho rằng số ca mắc dự kiến sẽ tăng do các biến thể mới dễ lây lan hơn, tuy nhiên tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát do tỷ lệ nhập viện thấp. Trong khi đó, Bộ Y tế nhận định số ca mắc tăng nhẹ còn do người dân đi lại nhiều hơn trong khi khả năng miễn dịch cộng đồng đã suy giảm. Hiện Philippines đã tiêm đủ liều vaccine cho hơn 70 triệu người.
Tại Israel, số ca bệnh chuyển nặng cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh, với 168 người đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong đó 32 bệnh nhân phải đặt nội khí quản và 2 bệnh nhân phải can thiệp sâu bằng máy ECMO. Chỉ số trên cho thấy số ca bệnh chuyển nặng đã tăng tới 95% so với tuần trước đó. Tính từ đầu đại dịch đến nay, Israel đã ghi nhận 10.908 ca tử vong liên quan bệnh COVID-19.
Tại châu Phi, số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 4.385 ca, nâng tổng số ca mắc của châu lục này lên 12.255.125 ca. Hiện đã có 11.451.611 ca mắc COVID-19 ở Nam Phi bình phục.
Tại châu Đại Dương, số ca mắc mới COVID-19 ở Australia là 31.569 ca, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này là 7.854.839 ca. Australia là nước chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 trong khu vực./.