Đối với trẻ sốt cao 38,5 độ trở lên thì cần cho uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ sốt thấp hơn thì có thể cho trẻ uống nhiều nước, mặc đồ thoáng, chườm mát cho trẻ. Với những trẻ có tiền sử co giật, nên cho sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt 37,5 - 38 độ C.
Nên sử dụng Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng cơ thể/lần và lặp lại mỗi 6 tiếng. Trong trường hợp sốt kéo dài cần uống lặp lại sau 4 tiếng. Cần hạn chế sử dụng Ibuprofen và tuyệt đối không sử dụng Aspirin, vì những thuốc này có thể gây tác hại cho các cháu.
Có khá nhiều dạng bào chế chứa paracetamol để chọn lựa phù hợp với trẻ em như sau:
Thuốc dùng đường uống: Đối với trẻ lớn có thể dùng dạng viên uống. Nhưng đối với trẻ nhỏ hơn (khó nuốt) có thể chọn dùng dạng thuốc bột hoặc cốm pha dung dịch, hỗn dịch. Dùng muỗng, thìa (dụng cụ đong) đi kèm sản phẩm để đong thuốc để bảo đảm dùng đúng liều khuyến cáo.
Thuốc đặt hậu môn: Đối với những trẻ không uống được hoặc uống vao bị nôn có thể dùng dạng viên đặt hậu môn. Phụ huynh cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi dùng thuốc cho trẻ. Nên cho trẻ đi vệ sinh trước khi đặt thuốc.
Đặt trẻ nằm nghiêng một bên gập gối vào bụng, nhẹ nhàng đưa viên thuốc vào hậu môn trẻ, lưu ý đưa đầu nhỏ của viên thuốc vào trước. Sau đó khép và giữ 2 nếp mông trẻ trong khoảng 2-3 phút, giữ trẻ nằm yên trong vòng 10 phút để tránh viên thuốc không rơi ra ngoài.
Nếu viên thuốc bị mềm, có thể để viên thuốc trong ngăn mát tủ lạnh để viên thuốc rắn lại, dễ đút vào hậu môn của bé hơn.
Ngay sau khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt, bố mẹ cần lau mát cho trẻ. Cụ thể, lau mát bằng nước ấm ở vùng cổ, nách, bẹn. Đây là những vùng có nhiều mạch máu khi lau sẽ hạ sốt nhanh. Cần nhất là sự kiên trì của các vị phụ huynh, bởi khi lau mát cho trẻ nửa tiếng đồng hồ thì mới giảm khoảng 1 độ C.
Sốt do vaccine thường kéo dài không quá 48 tiếng. Do đó, phụ huynh cần lưu ý rằng, nếu con cháu mình bị sốt 39-40 độ trở lên và kéo dài trên 48 tiếng thì cần đưa trẻ đi khám, bởi vì có thể trẻ tình cờ mắc một bệnh khác trước khi tiêm vaccine, điển hình như sốt xuất huyết.
Cần lưu ý khi sử dụng thuốc: Phụ huynh tuyệt đối không được dùng các loại thuốc khác như kháng sinh, kháng viêm… cho trẻ. Đối với thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol hiện có nhiều dạng bào chế, cần lựa chọn dạng thuốc phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Không dùng quá liều chỉ định và tuyệt đối không dùng đồng thời paracetamol với các loại thuốc hạ sốt khác như ibuprofen, aspirin...
Riêng acetaminophen là một tên khác của paracetamol nên chú ý chỉ dùng một trong hai loại và xem kỹ về liều lượng phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Không được dùng thuốc người lớn pha cho trẻ uống.
Để phát hiện sớm, xử trí đúng phản vệ sau tiêm ngừa, đặc biệt ở trẻ có cơ địa dị ứng, cần phải ở lại điểm tiêm chủng đến mức lâu nhất có thể. Trong 72 giờ sau tiêm ngừa, lúc nào cũng phải có ít nhất một người thân ở bên cạnh để theo dõi giám sát.
Sau khi tiêm chủng, thường mất vài tuần để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Vì vậy, trẻ vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm chủng. Điều này là do vaccine vẫn chưa có đủ thời gian để bảo vệ. Cần thực hiện nghiêm túc các quy định 5K để hạn chế nguy cơ này./.