Chồng mất sớm, chị Vi Thị Thanh, ở bản Diềm một mình nuôi hai đứa con bị tật nguyền; cuộc sống nhiều lúc rơi vào cảnh túng bấn. Nhờ có nghề đan nên sau những buổi làm nương rẫy, chị tranh thủ thời gian đan thêm ít mặt hàng bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Tuy nhiên theo chị Thanh thì nghề đan của người dân ở bản Diềm trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Có thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên nhiều hộ gia đình đã phải chuyển sang nghề khác, thời điểm sản phẩm tiêu thụ được thì thiếu nguyên liệu sản xuất do rừng đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình quản lý nên sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập không ổn định...
Trước thực trạng đó, để bảo tồn và đưa làng nghề đan lát ở bản Diềm phát triển theo hướng bền vững nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, chính quyền huyện Con Cuông đã xây dựng đề án riêng cho làng nghề đan ở bản Diềm. Thành lập các Tổ hợp tác liên kết bao tiêu sản phẩm, bảo tồn, phát triển gắn với du lịch cộng đồng của huyện.
Chị Lang Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ mây-tre đan bản Diềm chia sẻ: Bản Diềm là nơi sinh sống của hơn 153 hộ đồng bào Thái và đồng bào Thổ. Được thành lập từ tháng 6/2014, nhóm mây tre đan bản Diềm ban đầu chỉ có 17 thành viên, cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hằng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi… nay đã lớn mạnh lên thu hút gần 30 thành viên tham gia.
Được biết, ban đầu sản phẩm của bản làm ra tiêu thụ rất khó khăn, sau này nhờ các dự án hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm và sự tìm tòi học hỏi của các thành viên nên các Tổ đã tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, đưa các mẫu hoa văn thổ cẩm truyền thống của người Thái vào nên sản phẩm mới bán được nhiều ở hội chợ, được nhiều người yêu thích, thu nhập tăng lên.
Để có chỗ đứng trên thị trường, các tổ, nhóm mây tre đan được các dự án VIE 028, dự án Oxfam Hồng Kong, dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam hỗ trợ vốn hoạt động, tập huấn, tìm thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm đan lát của người dân bản Diềm được xuất bán thị trường trong và ngoài nước như Đức, Pháp. Mỗi tháng nhóm nhận từ 5 đến 6 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm…vì thế đã tạo động lực cho những người làm nghề đan lát. Thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng lên, ban đầu chỉ từ 20.000 đồng/người/ngày, nay tăng lên tới 100.000 đồng/người/ngày.
Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Đi lên từ nghề truyền thống của cha ông, bản Diềm là điểm sáng trong việc khai thác tiềm năng hợp lý từ rừng và phát triển du lịch. Thời gian tới chính quyền huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư nhằm xây dựng nghề đan lát bản Diềm thành làng nghề truyền thống mang bản sắc riêng của người Thái trên địa bàn gắn với du lịch cộng đồng, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.n
MINH THƯ