Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sân khấu chèo thiếu vắng đề tài đương đại

PV - 10:05, 31/10/2022

Suốt hơn hai tuần qua, công chúng vùng núi Đọi, sông Châu được đắm mình trong những giai điệu trữ tình sâu lắng từ sân khấu của Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022. Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam tổ chức.

Trích đoạn "Thị Màu lên chùa" nổi tiếng của vở chèo Quan Âm Thị Kính
Trích đoạn "Thị Màu lên chùa" nổi tiếng của vở chèo Quan Âm Thị Kính

Gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp trên cả nước đã tham gia Liên hoan với 27 vở diễn. Có thể coi đây như một cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu của ngành chèo nước nhà trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu.

Những con số kỷ lục về thời gian biểu diễn, số lượng tác phẩm dự thi cùng sự góp mặt đầy đủ của đại diện những chiếng chèo nức danh cả nước và những buổi diễn chật kín khán giả đã cho thấy khao khát được cống hiến nghệ thuật của các nghệ sĩ cũng như sức sống mãnh liệt của chèo, cho dù sân khấu truyền thống vừa trải qua cơn lao đao chưa từng có trong đại dịch Covid-19.

Qua 14 ngày đêm, khán giả được thưởng thức những vở diễn hấp dẫn, dàn dựng công phu, vừa đậm chất chèo truyền thống, vừa mang tính cách tân mới mẻ, chuyển tải sâu sắc, đa dạng câu chuyện về tình đời, tình người, ngợi ca những lối sống, phẩm chất cao quý. Nói theo cách đánh giá của Hội đồng nghệ thuật Liên hoan, đây chính là 27 bài ca về chân-thiện-mỹ.

Liên hoan tiếp tục khẳng định tài năng dàn dựng của những gương mặt đạo diễn sân khấu có nghề, từ Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng cho đến NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Trịnh Thúy Mùi, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Vũ Tự Long, NSND Trương Hải Thọ, NSƯT Lê Thanh Tùng, NSƯT Hà Quốc Minh, NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Nguyễn Quang Thập, NSƯT Đoàn Vinh, NSƯT Hoài Thu...

Bằng bàn tay "phù thủy" và phong cách riêng, họ đã làm nên nhiều lớp diễn ấn tượng, để lại xúc cảm khó quên đối với người xem, như: lớp bão tố ở nhà giàn DK1 (vở "Đất liền và biển cả"-Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa); trận chiến giữa Yết Kiêu với quân Ô Mã Nhi trên biển (vở "Thần tướng Yết Kiêu"-Nhà hát Chèo Hải Dương); hay sự biến hóa kỳ diệu của chữ "Trần" (vở "Dấu thiêng Đông Hải"-Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh)...

Dễ nhận ra sự đầu tư sáng tạo đầy dụng công về thiết kế sân khấu, âm nhạc kết hợp ngôn ngữ múa giúp tạo ra sự kết hợp sinh động, thuyết phục giữa những "cảnh mềm" và "cảnh cứng", giữa tả thực với tượng trưng. Bên cạnh đó là tình yêu nghề và tài năng diễn xuất của một lực lượng hùng hậu diễn viên sân khấu chèo, trong đó có nhiều tài năng trẻ hội đủ cả "thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần"...

Tuy nhiên, Liên hoan cũng bộc lộ những hạn chế. Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhận định: Về tác giả, từ Liên hoan đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch chèo chưa đông, chưa mạnh, chưa bền vững. Vì thế, ít tác phẩm có "tích hay, trò lạ", hình thức mới mẻ, đột phá; phần lớn vẫn là tích cũ, trò cũ, trang trí cũ, trang phục cũ. Nhiều vở kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu. Đối với đạo diễn, tuy là có nghề nhưng không ít trong số họ vẫn lặp lại chính mình.

Đặc biệt, ở một số vở nhân vật phụ lấn át nhân vật chính, tính kịch át tính trữ tình hoặc tính trữ tình lấn át tính kịch khiến vở diễn mang phong cách "kịch cắm ca". Về nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên còn hát phô, chênh nhịp, quên lời, lúng túng trong cách xử lý khi bị rơi đạo cụ trên sân khấu. Hơn nữa, có vở trên sân khấu gồm cả diễn viên kịch nói, cải lương, tuồng, công nhân kỹ thuật hậu đài, ca múa nhạc và chèo... khiến cho tính chèo, chất chèo bị pha tạp khó hoàn thiện, nhuần nhuyễn trong tác phẩm.

Thêm một vấn đề đáng bàn là Liên hoan có tới 27 vở diễn dự thi nhưng chỉ có duy nhất một vở thể hiện đề tài hiện đại, còn lại là về lịch sử, dã sử, huyền sử. Điều này đã bộc lộ sự thiếu vắng trầm trọng tác phẩm về cuộc sống hôm nay. Tất nhiên, đề tài lịch sử cũng vô cùng quan trọng bởi nhiều câu chuyện vẫn nguyên vẹn giá trị thời sự, vẫn mang đến nhiều bài học sâu sắc cho hiện tại và tương lai, chưa kể đề tài lịch sử còn giúp chèo có nhiều "đất" để khoe chất trữ tình ngọt ngào, sâu lắng.

Song đứng trước hiện thực đa dạng, sinh động của cuộc sống trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0..., nghệ thuật chèo cần cập nhật hơi thở thời đại. Đây là khoảng trống cần sớm được khỏa lấp bằng những định hướng, giải pháp thiết thực của cơ quan quản lý văn hóa, hội nghề nghiệp, các đơn vị nghệ thuật, sao cho các nghệ sĩ chèo nói riêng, sân khấu nói chung luôn xứng danh là những "thư ký của thời đại" và chinh phục được đông đảo công chúng hôm nay...

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.