Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, người dân thiệt hại hàng tỷ đồng

NA (T/h) - 11:31, 14/07/2022

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh thực trạng cây sâm Ngọc Linh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) bị chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người nông dân trồng sâm.

Hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh khoản 1 năm tuổi đã bị bệnh, chết khiến người trồng sâm lo lắng
Hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh khoản 1 năm tuổi đã bị bệnh, chết khiến người trồng sâm lo lắng (Ảnh BSGGP)

Sâm Ngọc Linh bị chết hàng loạt

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum), từ thời điểm đầu tháng 6/2022, đơn vị đã kiểm tra vùng trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Đắk Glei và phát hiện hàng loạt cây sâm con bị chết .

Cụ thể, tại huyện Đắk Glei, trong số trên 13.500 cây sâm 1 năm tuổi của các hộ dân ở 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong thì có 2.200 cây đã bị chết, số còn lại (11.300 cây) có tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh khoảng 35 đến 40%.

Trong khi đó, tại huyện Tu Mơ Rông, cơ quan chức năng đã xác định có 29.143 cây sâm Ngọc Linh con bị thiệt hại do sâu bệnh.

Tình trạng cây sâm con Ngọc Linh bị chết vẫn chưa dừng lại. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, tính đến ngày 12/7, tỉnh Kon Tum có hơn 52.000 cây sâm Ngọc Linh bị bệnh, chết. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tu Mơ Rông với hơn 39.000 cây, huyện Đắk Glei với hơn 15.000 cây.

Điều đáng lo là số cây sâm Ngọc Linh bị chết chủ yếu rơi vào diện tích trôgnf sâm của những người nông dân. Tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, hộ gia đình anh A Thuất (thôn Pu Tá) bị chết khoảng 700 cây, thiệt hại gần 250 triệu đồng; hộ A Tôn và hộ Vũ Văn Khải bị chết 2.000 cây, hộ A Hít (làng Ngọc La) 800 cây, hộ A Ngôm (làng Đắk Dơn) 250 cây…

Các cây sâm Ngọc Linh bị bệnh chủ yếu là cây con khoảng 1 năm tuổi. Triệu chứng là lá bị vàng, một số cây bị teo thắt phần thân tiếp giáp với mặt đất, xuất hiện vết đốm hoặc chấm dạng nước sôi nằm trong phiến lá hoặc mép lá… Đa số cây có bộ rễ chưa bị thối. 

Sâm Ngọc Linh bị sâu bệnh hại. Ảnh T.T
Sâm Ngọc Linh bị sâu bệnh hại. Ảnh T.T

Người trồng sâm hoang mang, lo lắng

Cây sâm Ngọc Linh chết hàng loạt đã gây thiệt hại lớn đối với những hộ gia đình đồng bào trồng sâm ở các huyện miền núi Tu Mơ Rông, Đăk Glei. Hầu hết các hộ dân người DTTS đều vay vốn ngân hàng (bình quân mỗi hộ vay từ 50- 100 triệu đồng) để đầu tư trồng sâm với hy vọng thoát đói nghèo. Nay cây sâm bị chết hàng loạt, người dân hoang mang, lo lắng sẽ không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng.

Anh A Thuất (thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện huyện Tu Mơ Rông lo lắng: “Tôi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng và bán trâu, bò để trồng sâm. Giờ tôi đang lo không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng. Chỉ mong muốn Nhà nước và ngân hàng có chính sách hỗ trợ”.

Hộ anh A Ghẹo (thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cũng lâm cảnh khó vì sâm lâm bệnh. Anh A Ghẹo buồn bã nói: “Mình trồng 550 cây, đã chết 500 cây rồi, những cây còn lại không biết sống được bao lâu. Nhà mình có vay 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng vườn sâm. Giờ đang lo làm sao để trả nợ”.

Tìm nguyên nhân sâm Ngọc Linh bị chết

Trước tình trạng cây sâm Ngọc Linh bị chết hàng loạt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật), giám định về nguyên nhân các mẫu sâm Ngọc Linh bị chết bất thường trên địa bàn 2 xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) và Ngọc Linh (huyện Đăk Glei, cùng thuộc tỉnh Kon Tum).

Kết quả giám định các mẫu lá, củ sâm Ngọc Linh cũng như mẫu đất trồng sâm Ngọc Linh cho thấy: Với lá sâm Ngọc Linh của cây bị bệnh ở xã Ngọc Linh và Măng Ri đều phát hiện nấm Puccinia sp; trên mẫu củ sâm Ngọc Linh thu tại xã Ngọc Linh phát hiện nấm Rhizoctonia sp. Ngoài ra, trong mẫu đất thu tại xã Ngọc Linh có tuyến trùng ký sinh thực vật, mẫu còn lại tại xã Măng Ri không có tuyến trùng gây hại.

Trong thời gian từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trời âm u, độ ẩm cao tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát sinh, phát triển mạnh.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn, bệnh này mới xảy ra trong năm nay. Cây sâm con bị chết đều rơi vào diện tích của dân, có giá khoảng 300.000 đồng/cây. Sâm con bị chết đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ. 

Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cũng thông tin, do diễn biến do thời tiết bất thường, đầu năm mưa nhiều độ ẩm cao nên xảy ra dịch bệnh, xuất hiện chủ yếu trong vườn ươm, nấm phát sinh nhanh. Sở cũng đã có khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật gửi các huyện để huyện gửi các xã hướng dẫn người trồng sâm thực hiện.

Giải pháp cứu sâm, gỡ khó cho người dân

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - ông Võ Trung Mạnh (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với Bí thư tỉnh ủy Kon Tum - ông Dương Văn Trang (ngoài cùng bên phải) về vườn ươm sâm Ngọc Linh. Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (ngoài cùng bên phải) về vườn ươm sâm Ngọc Linh. Ảnh: UBND huyện Tu Mơ Rông

Để khẩn trương cứu những diện tích trồng sâm Ngọc Linh bị bệnh, chết, ngay sau khi xác định nguyên nhân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã khuyến cáo các địa phương triển khai các giải pháp phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây sâm Ngọc Linh như: Tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan; sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động trực tiếp; bón bổ sung cho vườn cây bằng mùn núi đã được xử lý bằng các chế phẩm sinh học trichoderma 3-6 tháng/lần để tăng cường dinh dưỡng cho cây.

Khi phát hiện trên vườn cây có xuất hiện bệnh lở cổ rễ, chết rạp có thể sử dụng thuốc có chứa hoạt chất validamycin như validacin 5SL, tungvali 5SL, 5WP, vali 5SL, validan 5WP, vanicide SSL, 5WP để phun cho vườn cây, phun hai lần, mỗi lần phun cách nhau 7-10 ngày.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên điều tra các đối tượng sinh vật hại khác trên cây sâm Ngọc Linh để cùng cơ quan chuyên môn kịp thời phối hợp kiểm tra, xử lý.

Tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo ngành chức năng quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh đảm bảo và an toàn với dịch bệnh. Không để tình trạng mua bán giống sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng.

Để gỡ khó cho người trồng sâm, hiện tại, chính quyền các địa phương nơi có diện tích cây sâm Ngọc Linh bị chết đang tích cực vào cuộc tìm giải pháp. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng vào cuộc xác minh thiệt hại do dịch bệnh trên cây sâm Ngọc Linh để có hướng xử lý, đề xuất liên quan. Khi huyện có thống kê hoàn chỉnh sẽ có đề xuất lên tỉnh, ngân hàng chính sách để có hướng hỗ trợ người dân.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.