Theo quan niệm của đồng bào xưa, khi người con gái lớn lên thì người mẹ sẽ truyền dạy cho công thức nấu rượu ghè để phục vụ cho gia đình và những ngày lễ lớn của làng. Đồng bào không biết nghề nấu rượu ra đời từ bao giờ, chỉ biết khi họ lớn lên trên nếp nhà sàn, đã thấy cha ngồi nhâm nhi hút ché rượu ghè, còn mẹ thì lên rừng lấy cây về làm men nấu rượu.
Chúng tôi tìm về làng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum (Kon Tum). Đây là làng của người Ba Na di cư từ Đăk Blà đến vùng đất Đăk Rơ Wa lập nghiệp. Hiện làng có 172 hộ dân, chủ yếu là người Ba Na. Hầu hết những phụ nữ của làng đều biết cách nấu rượu ghè để phục vụ đời sống và những ngày lễ hội của làng.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm tới nhà bà Y Maih, một trong những người nấu rượu ghè ngon nhất làng Kon Jơ Ri. Theo bà Y Maih, điều tiên quyết trong việc nấu rượu là phải sạch. Rượu được nấu từ nhiều loại hạt khác nhau, như gào, gạo, hạt bo bo, hạt kê, bắp, mì… Đặc biệt, men ủ rượu ghè được làm từ vỏ cây rừng.
“Thời xưa, khi còn rẫy, chúng tôi thường lên rẫy lấy vỏ cây Hiam về làm men. Rượu được nấu từ nhiều nguyên liệu, nhưng ngon nhất phải nấu từ gào hoặc nếp than. Rượu làm từ những nguyên liệu này có thể để được cả năm. Ngoài ra, rượu ngon hay không cũng phải tùy thuộc vào đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ”, bà Y Maih cho biết.
Ông Bik ở làng Chuet 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku (Gia Lai) được đánh giá là người nấu rượu ghè ngon nhất làng. Người dân tin tưởng mua về dùng vì ông vẫn còn ủ rượu bằng loại men truyền thống xưa.
Ông Bik cho biết: Rượu ghè rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Jrai, không thể thiếu trong những ngày cúng Yàng, lễ báo hiếu cha mẹ hay những ngày hội họp của làng. Rượu ghè là sợi dây liên kết của con người với thần linh, con người với con người, là sự minh chứng cho sự đoàn kết của buôn làng. “Rượu biến người không biết nói trở thành biết nói. Rượu kéo người ta lại. Rượu giúp tháo gỡ sợi dây mâu thuẫn, giúp người ta biết yêu thương, đùm bọc và che chở cho nhau”, ông Bik hào hứng kể.
Trong lễ cúng báo hiếu, người con sẽ cúng tạ ơn cha mẹ, đút cho mẹ ăn, đồng thời mời cha mẹ uống rượu. Rượu ghè lúc này có vai trò thể hiện tình cảm linh thiêng, sự biết ơn sâu sắc của con cái dành cho cha mẹ lúc tuổi cao sức yếu.
Ngoài ra, trong các dịp lễ quan trọng của làng, như cúng giọt nước, cúng lễ Pơ Thi, cúng xin Yàng cho khỏi bệnh, thì rượu ghè sẽ được thầy cúng làm phép, biến thành thứ rượu linh thiêng để cúng lên đấng bề trên.
Già Ăk, Người có uy tín nắm rõ các bài cúng, các nét văn hóa truyền thống của làng Chuet 2 bao đời nay cho biết: Không chỉ làng Kon Rơ Ri, làng Chuet 2, mà còn rất nhiều làng đồng bào DTTS khác trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn giữ được nét văn hóa rượu ghè trong nếp nhà sàn để giữ gìn được nét đẹp của cộng đồng dân tộc.