Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 7 chương, 38 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần này, nhiều quy định đã được chỉnh lý như: về tên gọi của dự thảo Luật; về phạm vi điều chỉnh; về kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia.
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật, các đại biểu nhất trí rất cao về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh, dự thảo Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo và phản biện sâu sắc của Bộ trong việc bảo vệ quan điểm, nhằm mục đích duy nhất là chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Đại biểu nhấn mạnh, phòng chống tác hại rượu, bia phải thực hiện một cách triệt để mà không nên ngụy biện bằng người uống có trách nhiệm hoặc bất kỳ một lý do nào khác.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) ủng hộ, sớm có Luật này vì tác hại của rượu, bia ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Đề nghị dự Luật ngoài việc phòng, chống tác hại cần hướng dẫn, tạo điều kiện để rượu tồn tại trong đời sống tốt hơn, văn minh hơn. Đồng thời, đề nghị cấm ép buộc và kích động người khác uống rượu, bia.
Về ý kiến cho rằng, thông qua Luật này là khai tử ngành rượu, bia, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) chia sẻ với Ban soạn thảo về sự khó khăn trong quá trình xây dựng dự án Luật. Làm sao để xây dựng các chính sách vừa đảm bảo sức khỏe của người dân vừa hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia là bài toán khó.
Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: những ý kiến đóng góp của các đại biểu đều xác đáng ở những góc cạnh khác nhau và Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần ban hành chính sách là vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm. Nhấn mạnh đây là Luật khó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, có những sự “đối đầu” giữa mong muốn Luật bảo vệ sức khỏe con người tối đa và các nhà sản xuất, kinh doanh cũng muốn doanh thu, lợi nhuận. Luật này ra đời tiếp cận ở góc cạnh sức khỏe nhiều hơn, phải khả thi...
THANH HUYỀN