Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Rừng thiêng che chở bản làng

Thiên An - 09:08, 21/07/2023

Đối với đồng bào Tày tại thôn Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, việc gìn giữ, bảo vệ rừng là công việc chung của tất cả người dân trong thôn. Bảo vệ rừng, cũng chính là bảo vệ cuộc sống bình yên của bản làng, bảo vệ nguồn sống nuôi dưỡng bao thế hệ dân bản...

Khu rừng nghiến nguyên sinh bao quanh thôn Đông Đằng
Khu rừng nghiến nguyên sinh bao quanh thôn Đông Đằng

Sau 3 năm trở lại thôn Đông Đằng, vẫn trên con đường được bao bọc bởi trùng điệp núi, đồi và những cánh đồng trải dài dường như vô tận. Đông Đằng ngày nay có nhiều đổi thay, với những con đường được bê tông hóa sạch sẽ, 2 bên đường vẫn là những nếp nhà sàn truyền thống cổ kính đến nên thơ.

Nằm ở phía Đông Nam huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm huyện 3 km, thôn Đông Đằng có khoảng 140 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, mang họ Dương, định cư quanh dãy núi đá vôi Bắc Sơn. Theo những người cao niên nơi đây, cánh rừng nghiến cổ ngay sát làng là một khu rừng thiêng. Nơi đây, thờ ba vị thần: Ông Đuôi, Ông Voi và thần Bò Bá Mò.

Dân làng có niềm tin rằng, thần rừng sẽ che chở, bảo vệ bản làng, phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, làng bản chung sống thuận hòa, đoàn kết.

Điều mong ước lớn nhất của dân bản, đó là không có thiên tai, dịch họa. Muốn làm được điều đó, cánh rừng nơi các ngài thần rừng ngự phải thật yên tĩnh. Mọi cỏ cây, chim thú do các ngài cai quản phải được tự do, tự nhiên phát triển. Người dân không được vào kiếm củi săn thú. Nếu có cây đổ cây ngã cũng để nguyên trong rừng cho thối mục tự nhiên, làm phân bón chăm các cây con khác, nhất định không được lấy đem về nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Thiều - Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết, đây là cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh (loài cây gỗ quý thuộc nhóm 1) rộng khoảng 13 ha, với hàng trăm cá thể gỗ nghiến có đường kính hơn 2m. Là rừng cộng đồng, nên hằng năm, bà con được hưởng nguồn chi phí dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng. Đây cũng là khu rừng nghiến tự nhiên hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn xứ Lạng, được cộng đồng dân cư gìn giữ như báu vật.

Thôn Đông Đằng cũng đã thành lập các tổ, đội thường xuyên tuần rừng, bảo vệ rừng.
Thôn Đông Đằng cũng đã thành lập các tổ, đội thường xuyên tuần rừng, bảo vệ rừng

Năm 2018, khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn được quy hoạch, bảo vệ. Cây nghiến thường được dùng làm các sản phẩm nội thất, đồ thủ công mỹ nghệ bởi độ bền và tính thẩm mỹ. Bởi thế, cánh rừng nghiến nguyên sinh rộng lớn này, như một “kho vàng lộ thiên” giữa núi rừng, khiến nhiều đối tượng lâm tặc nhòm ngó.

Theo ông Dương Hữu Chung, Trưởng thôn Đông Đằng, để giúp cánh rừng nghiến Đông Đằng được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày hôm nay, tất cả chỉ nhờ một số quy định trong hương ước của thôn. Hương ước thôn Đông Đằng có 9 chương, 29 điều, quy định chi tiết từ việc hiếu, hỉ, xây dựng khu dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng…

Trong đó, tại Chương VI, Điều 25 quy định rõ: Tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh; không phát rừng làm nương rẫy.

Tiếp theo, tại Chương VIII hương ước cũng nêu rõ các hình thức khen thưởng với hộ có thành tích trong gìn giữ, bảo vệ rừng; các hình thức nghiêm khắc xử phạt với người vi phạm. Cụ thể, vi phạm lần 1 phạt hành chính, nhắc nhở trước toàn thôn; lần 2 đưa ra cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể của người vi phạm có hình thức kỷ luật; lần 3 sẽ bị loại khỏi “phe làng, hội hiếu”, tước hết quyền lợi của hộ gia đình trong thôn.

Khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn được quy hoạch, bảo vệ
Khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn được quy hoạch, bảo vệ

Giải thích rõ hơn, Trưởng thôn Đông Đằng cho biết, nếu ai lên rừng lấy gỗ, lấy củi, sẽ bị đuổi ra khỏi hội hiếu. Nghĩa là nếu gia đình gặp tang gia, cả làng không ai tới giúp, không ai đưa tiễn người đã khuất trong gia đình về với tổ tiên. Nếu có việc cưới xin, dân làng cũng tẩy chay không tới mừng, không làm cỗ giúp.

Có thể thấy, từ ý thức gắn kết cộng đồng, cộng sinh với rừng, mà khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng, huyện Bắc Sơn luôn luôn nhận được sự bảo vệ của người dân nơi đây. Và cũng chính vì vậy, bao đời nay rừng thiêng Đông Bằng cũng đã che chở, cung cấp nguồn sống cho người dân...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.