Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Rừng phòng hộ La Ngà (Đồng Nai) bị “xẻ thịt”- Những người vi phạm vẫn ngoài vòng pháp luật

Lê Thuận - 11:36, 12/07/2021

Trong lúc chính quyền và người dân tỉnh Đồng Nai đang căng mình chống dịch, thì những người quản lý rừng phòng hộ La Ngà lại cho người dân địa phương, người thân trong gia đình ngang nhiên “xẻ thịt” từng mảng rừng. Tại hiện trường, nhiều khu rừng xơ xác, chết dần, chết mòn do chặt phá. Một số gốc gỗ quỹ bị đốt cháy đen, cũng có những gốc vừa mới chặt ...

Những khu đất rừng đã biến thành đất nông nghiệp ở La Ngà
Những khu đất rừng đã biến thành đất nông nghiệp ở La Ngà

Phá rừng, bán đất thu lợi bất chính

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi chạy men theo những đường mòn, lối mở đi sâu vào những khu rừng phòng hộ thuộc xã Ngọc Định. Ngay đầu đường mòn, những người phá rừng đổ đá chặn ngang đường không cho xe người lạ chạy vào. 

Rừng phòng hộ La Ngà thuộc địa phận các xã Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và một phần xã Đắc Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (Công ty Lâm nghiệp La Ngà) quản lý, có tổng diện tích hơn 23.000ha.

Vào sâu bên trong, khung cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt. Những thân cây rừng cổ thụ bị đốn hạ, nằm chỏng chơ hai bên đường. Hàng trăm héc ta rừng phòng hộ bị tàn phá tan hoang. Những cây gỗ giá tỵ (còn gọi là cây tếch), sao, dầu… hàng chục năm đã biến mất. Một vài gốc cây vừa bị "xẻ thịt"; cũng có những cây chết đứng, gốc bị đốt trụi, đen thui... 

Điều đáng báo động đây là khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chống lũ lụt, xói mòn. Tiền trồng rừng là nguồn ngân sách của Nhà nước. Nay những người được giao nhiệm vụ giữ rừng lại “ngó lơ” để dân địa phương, người thân vào phá rừng, trồng xoài, trồng mít, và cừ tràm.

Ông N.V.C (xin giấu tên), một trong nhiều hộ dân can đảm đứng tên tố cáo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc và ông Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp La Ngà tới Công an tỉnh Đồng Nai, với những hành vi phá rừng tự nhiên nhằm thu lợi bất chính. Ông N.V.C cho biết, trong những khu đất mà người dân tố cáo, có một phần diện tích khoảng 13ha được cấp cho lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp La Ngà quản lý chăm sóc và trồng cây ăn trái xen kẽ dưới tán rừng. 

Thế nhưng, những cây rừng giá tỵ 40 - 50 tuổi bị chặt phá, đốn hạ gần hết, chỉ còn lác đác vài cây thưa thớt, che mắt những đoàn kiểm tra; và, 8ha đất rừng phòng hộ đã được cắt ra bán cho người dân trồng xoài, lấy tiền bỏ túi riêng.

Những gốc cây rừng ở La Ngà mới bị đốn hạ
Những gốc cây rừng ở La Ngà mới bị đốn hạ

Dẫn chúng tôi đi vào rừng, ông D.V.U cũng là người bức xúc làm đơn tố cáo lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp La Ngà chỉ vào cánh rừng giá tỵ thuộc tiểu khu 154, ấp Hoà Trung, nay thành đất của ông Vũ Văn Nhiên, Trưởng phòng Lâm nghiệp Công ty Lâm nghiệp La Ngà. 

“Khu đất rừng có cây giá tỵ cổ thụ đã bị đốn hạ. Họ đã ngang nhiên chiếm, khai thác hết những loại gỗ quý như giá tỵ, dầu, sao, gõ… để thay bằng “rừng” tràm của tư nhân bán làm giấy, ép cọc và các loại cây ăn trái như xoài, chuối, quýt…”, ông D.V.U chia sẻ.

Biến đất rừng thành đất nông nghiệp

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2011, Công ty Lâm nghiệp La Ngà giao cho bà Lương Tuyết Mai (vợ của ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám Công ty Lâm nghiệp La Ngà) quản lý và canh tác 8,22 ha đất rừng phòng hộ, thuộc lô 2b khoảnh 2 tiểu khu 40, tại xã Ngọc Định. Trong diện tích đất rừng phòng hộ này, có 1.105 cây gỗ giá tỵ lớn, cao từ 8-16m được trồng từ năm 1979 bằng tiền ngân sách. 

Mục đích của việc ký hợp đồng khoán rừng nhằm chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ hơn. Người nhận khoán được trồng xen cây ăn trái vào các khoảng đất trống trong diện tích rừng được giao.

Thế nhưng, khi quan sát thực tế khu rừng giao khoán, hiện trạng khu đất này biến đổi với hàng rào kẽm gai, trụ bê tông và cánh cổng sắt lớn. Trên đất còn có căn nhà cấp 4, chuồng trại chăn nuôi, ao đào diện tích khoảng 1.000m2, diện tích còn lại trồng tràm, chuối, mít, cây lâu năm. 

Sau khi gia đình bà Mai trồng vườn quýt này xong, đã bán lại cho người khác với giá hơn 1,2 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, còn có nhiều người thân của ông Cường đã biến rừng thành vườn chuối và các loại cây ăn trái khác.

Một gốc cây rừng bị hủy hoại
Một gốc cây rừng bị hủy hoại

Năm 2016, Thanh tra Chính phủ từng kết luận việc quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg, có nhắc đến những sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp La Ngà. Theo đó, đất lâm nghiệp bị các hộ dân lấn chiếm hơn 492ha và tự ý trồng xen vào các loại cây nông nghiệp, cây ăn quả ngắn ngày dưới tán rừng với diện tích hơn 1.156ha.

Ngoài ra, Công ty Lâm nghiệp La Ngà còn ký 2.444 hợp đồng giao khoán cho các hộ dân, với diện tích hơn 3.763ha đất theo Nghị định 01/CP của Chính phủ, nhưng chưa ký lại hợp đồng theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ là không đúng với quy định của pháp luật.

Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp La Ngà, thừa nhận có những sai phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng ông lý giải rằng, do địa bàn rộng và phức tạp nên gặp nhiều khó khăn; quỹ đất lâm nghiệp của công ty lớn dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng sử dụng sai mục đích.

Trả lời vấn đề người dân tố cáo lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp La Ngà chiếm đất rừng giao cho người thân và bán cho dân, thì ông Thắng chỉ thừa nhận đối với trường hợp bà Lương Tuyết Mai (vợ ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc công ty) là chưa phù hợp với quy định. Ông Thắng cho biết, Công ty cũng đã nhiều lần yêu cầu bà Mai trả lại đất nhưng mãi đến tháng 5/2021, bà Mai mới trả lại.

Ông Thắng khẳng định, việc gia đình bà Mai sai phạm trong quản lý sử dụng đất rừng có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Mạnh Cường, phải kỷ luật theo qui định pháp luật.

Những cây rừng đánh số còn sót lại chưa bị chặt phá
Những cây rừng đánh số còn sót lại chưa bị chặt phá

Như vậy, người giữ rừng, bảo vệ rừng lại phá rừng, rồi biến thành đất nông nghiệp… đem bán cho người thân, cho dân là sai phạm nghiêm trọng. Rừng phòng hộ mang chưa kịp tái sinh đã bị chính những người quản lý vô trách nhiệm đem cưa vào “xẻ thịt” làm, tàn phá màu xanh của rừng.

Câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể sai phạm trong vụ việc này ra sao, đã đến lúc cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ...