Ngay từ sáng sớm, các chức sắc tôn giáo cùng đông đảo đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn đã tập trung về sân lễ để tham gia nghi lễ rước y trang của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp. Dưới sự điều hành của các vị sư cả, chức sắc, dòng người hòa trong tiếng trống rộn ràng, tiếng kèn réo rắt và những điệu múa quạt uyển chuyển nối đuôi nhau kéo dài từ sân lễ lên tháp chính, tiếp nối là các nghi lễ mở cửa tháp chính, nghi thức tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục và Đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính.
Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận, tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Vì vậy, mỗi Lễ hội Katê, đồng bào người Chăm ở các nơi trong tỉnh cùng mang lễ vật đến cúng kính, cầu mong hạnh phúc, ấm no. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Võ Thành Huy cho biết: Katê là một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận lựa chọn để phát triển du lịch. Qua 15 năm phục dựng, Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách.
Lễ hội Katê năm nay được coi là hoạt động văn hóa có nhiều ý nghĩa, góp phần chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995- 24/10/2020).
Nối tiếp phần lễ, phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm như: thi đi cà kheo, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật… Dịp này, du khách còn được tham gia vui chơi, chụp ảnh và tìm hiểu về những nét đặc sắc của văn hóa nghề truyền thống và kiến trúc đền tháp của người Chăm.
Du khách Đặng Thế Mừng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Lễ hội Katê của người Chăm. Lễ hội này rất ấn tượng và mang tính cộng đồng cao. Được hòa mình vào lễ hội, tôi cảm thấy rất thích thú".
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, Ban Tổ chức lễ hội đã bố trí nhân viên y tế trực, đặt bàn sát khuẩn nhanh… đồng thời khuyến cáo người dân và du khách phải tự giác, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bình Thuận hiện có hơn 39.600 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… trong đó, đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn có khoảng 18.000 người. Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, diện mạo vùng quê Bình Thuận ngày càng khởi sắc.