Buổi chiều bà con tranh thủ hái ngọn su su về giao cho thương lái cho kịp chuyến xe. Vài chiếc ô tô tải nhỏ chạy quanh xóm để thu gom rau của từng nhà mang về Hà Nội.
Vừa thoăn thoắt hái rau anh Bùi Văn Thín, ở xóm Biệng xã Quyết Chiến trò chuyện với tôi: Nhà tôi có khoảng 3.000 m2 đất. Trước đây, trồng lúa mỗi vụ thu được 1-2 tấn lúa. Năm nào mất mùa thì không có ăn.
Khi có dự án tôi bỏ lúa để trồng su su. Đây là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc thích hợp với đất và điều kiện canh tác ở vùng cao. Cả quá trình trồng đến khi thu hoạch chỉ bón phân, không phải phun thuốc Bảo vệ thực vật. Nặng nhất là công làm giàn và đi hái.
Với chu kỳ thu hoạch từ tháng 3 đến cuối năm, mỗi ngày gia đình anh Thín thu ít nhất 50-60 kg, ngày nhiều trên một tạ. Nếu giá 5.000 đồng/kg cứ duy trì được như hiện nay thì cao hơn trồng lúa rất nhiều, người dân sẽ yên tâm đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc nâng cao giá trị của cây.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Quyết, ở xóm Biệng là cán bộ khuyến nông khuyến lâm của xã Quyết Chiến cho biết: Năm nay bà con trồng su su phấn khởi lắm anh ạ! Hầu hết các đầu mối đều thu mua mức tối thiểu 5.000 đồng/kg.
Bà con ai cũng bảo nếu giá duy trì được như này thì vùng rau su su của xã sẽ được mở rộng hơn nữa, đời sống của bà con sẽ còn khá hơn nữa.
Năm nay một số đơn vị chuyên cung ứng rau hữu cơ đã bắt đầu thu mua như cửa hàng rau sạch Bác Tôm ở Hà Nội. Mỗi tuần cửa hàng nhập 2-3 lần, mỗi lần hơn 100 hộp rau. Như vậy, sản phẩm ngọn rau su su của Tân Lạc đã nâng được giá trị.
Còn nhớ, năm 2008, Công ty TNHH Phương Huyền cùng một số đơn vị khác đã đưa cây su su trồng ở các xã vùng cao huyện Tân Lạc. Lúc đầu nhiều người không tin cây này sẽ hiệu quả hơn lúa, ngô. Nhiều nhà được dự cho giống mang về băm cho lợn ăn.
Năm đó một số nhà trồng cây phát triển tốt tư thương đến tận nơi thu mua với giá cao. Khi nhìn thấy tận mắt người trồng bỏ tiền vào túi, thì người ta mới tin là cây su su có giá trị. Từ đó nhiều hộ gia đình mới trồng theo.
Nhưng rồi có những năm rớt giá như thời điểm năm 2014, 2015 giá ngọn su su bị tư thương ép xuống. Có lúc chỉ 1.000-2.000 đồng/kg. Với giá như vậy thì chỉ đủ tiền công thu hoạch không có công chăm sóc. Từ đó nhiều người bỏ.
Thấy vậy nhiều người địa phương tự đi tìm mối bán. Đến giờ đã có khoảng 10 đầu mối thu mua nên việc ép giá không còn.
“Ai mua rẻ sẽ không thu mua được hàng. Có lúc giá bán xuống nhưng chúng tôi vẫn mua giá 5.000 đồng/kg cho bà con để bà con giữ lấy cây su su. Năm nay diện tích cây su su của xã tăng lên 40ha, chị Quyết phấn khởi nói.
Với thành công trên, mới đây xã Quyết Chiến cũng đã được các dự án hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân hỗ đưa một số loại rau vào trồng hữu cơ, trong đó có cây su su. Đây là hướng mới để su su nâng cao được giá trị và phát triển bền vững trên đất vùng cao huyện Tân Lạc.
VIỆT LÂM