Thiếu lò đốt rác trầm trọngBãi rác ở thôn Quan Bằng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy có từ năm 2007. Hiện nay, mỗi tháng xã Cẩm Vân chỉ thực hiện chôn rác một lần do nhiều năm nay xã không có kinh phí để xây lò đốt rác. Ông Nguyễn Phương, thôn Quan Bằng cho biết, gia đình ông sống ở đây từ lâu, bãi rác này cách khu dân cư khoảng 400 mét. Ông cảm thấy rất lo lắng khi bãi rác này có mùi hôi, thối. Ông Phương cũng bày tỏ mong muốn, chính quyền sẽ chuyển bãi rác này đi hoặc xây dựng lò đốt rác để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, đồng ruộng và cuộc sống của người dân.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Thủy, địa bàn huyện có một bãi rác lớn nằm ở thị trấn Cẩm Thủy, phục vụ xử lý rác của người dân xã Cẩm Phong, Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Thủy và các bãi rác nhỏ tập kết của10 xã về để xử lý. Huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn báo cáo thực trạng, khối lượng rác để huyện cấp kinh phí mua chế phẩm sinh học, thuê nhân công để xử lý rác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, huyện mong các doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, xây dựng các lò đốt rác theo tiêu chuẩn quốc gia.
Không chỉ huyện Cẩm Thủy, huyện Thiệu Hóa cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự khi không có lò đốt rác. 28 xã, thị trấn của huyện đang sử dụng bãi tập kết rác thải riêng nhưng lại không có lò đốt rác. Đối với chất thải rắn, một số xã đã thuê Công ty môi trường đô thị, hợp tác xã dịch vụ thu gom rồi đem đi xử lý với giá 520.000 đồng/tấn, phí vệ sinh là 15.000-35.000 đồng/hộ, một số xã thu 3.000 đồng/khẩu. Tuy nhiên, phương thức xử lý rác vẫn chỉ là chôn lấp và đốt thủ công.
Cần có chính sách hỗ trợ đầu tưThống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn hiện nay mới chỉ có 21 lò đốt xử lý chất thải rắn, các khu còn lại mới tạm tập kết chưa đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Các điểm này chủ yếu nằm ở khu vực miền núi. Nguyên nhân là các huyện miền núi địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều nên ảnh hưởng đến công tác xử lý rác.
Trong khi đó, nhiều bãi chôn lấp vận hành không đúng kỹ thuật, rác thu gom không đổ đúng vị trí, không sử dụng hoá chất diệt côn trùng dẫn đến phát sinh ruồi muỗi, mùi hôi thối. Một số khu xử lý chất thải rắn không xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác làm nước tự bốc hơi và thấm vào lòng đất. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư tại các huyện miền núi đang còn khó khăn do dân cư phân bố không đều, khối lượng rác ít nên hiệu quả kinh tế không cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Bình, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, để xử lý có hiệu quả rác thải trên địa bàn miền núi trong thời gian tới, Sở sẽ điều chỉnh bổ sung quy hoạch, xử lý chất thải bằng các công nghệ hiện đại như tái chế, sản xuất điện năng, phân bón từ rác thải, giảm các khu xử lý rác có công suất nhỏ. Sở khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn; đồng thời phát động các phong trào quần chúng giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phân loại rác tại nguồn.
Được biết, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2016-2021 nhằm hỗ trợ chủ đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hỗn hợp và công nghệ đốt được cơ quan thẩm quyền thẩm định, mức kinh phí hỗ trợ là 320.000 đồng/tấn. Với cơ chế này, hy vọng sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư xây dựng lò đốt rác khu vực miền núi. Có như vậy, bài toán về xử lý rác thải khu vực này mới được giải quyết.
TRÂM HOÀNG