Xã Ea Kao có 14 thôn, buôn, trong đó có 7 buôn đồng bào DTTS tại chỗ và 1 thôn đồng bào DTTS phía Bắc vào sinh sống. Mặc dù xa quê vào Tây Nguyên lập nghiệp, nhưng đồng bào các dân tộc phía Bắc trên địa bàn xã Ea Kao vẫn giữ gìn nhiều nét đẹp văn hóa như chiêng của người Mường, đàn tính, hát then của Tày, Nùng…
Thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mường xã Ea Kao được thực hiện theo Dự án 6.
CLB Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mường xã Ea Kao có 52 thành viên là bà con các dân tộc Tày, Nùng, Mường cùng yêu thích, đam mê văn hóa truyền thống trên địa bàn xã tham gia.
Sau khi có quyết định thành lập, thành viên CLB bộ được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng về các nội dung tổ chức, hoạt động, duy trì sinh hoạt phát triển mô hình CLB; giới thiệu, thảo luận về văn hóa truyền thống cũng như được truyền dạy kỹ năng hát then, đàn tính của dân tộc Tày, Nùng, diễn tấu một số bài chiêng dân tộc Mường...
Cùng với sự hướng dẫn tận tình, trách nhiệm và chủ động, các học viên tham gia lớp học đầy đủ, chăm chỉ, nắm bắt nhanh nội dung chương trình học. Các học viên đã có thể biểu diễn tốt 3 bài chiêng Mường: Lông bong beng, Loong đom, Mời rượu cần và 3 bài đàn tính, hát then Tày, Nùng: Hát cùng Tây Nguyên, Ea Kao quê noọng, Đường về bản em.
CLB Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mường xã Ea Kao là CLB đầu tiên có sự kết hợp, tham gia của 3 dân tộc khác nhau, với mục đích góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống; tạo điều kiện sân chơi cho cộng đồng dân tộc được vui chơi giải trí lành mạnh, tăng cường đoàn kết; đồng thời, khơi dậy cho thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, sự tìm tòi và say mê đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; phát huy nội lực, tinh thần tự lực và khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Việc xây dựng CLB và lớp tập huấn, hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng về các nội dung tổ chức, hoạt động, duy trì sinh hoạt phát triển mô hình CLB không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc dân tộc mà là hoạt động nhằm động viên, khích lệ đồng bào DTTS tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy vai trò chủ thể trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.