Tại phiên họp, với 449/449 đại biểu biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 100%), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân. Luật này sẽ có hiệu lực kể từ 01/7/2025.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Theo báo cáo, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 47 Điều với nhiều nội dung quan trọng.
Theo định nghĩa của Luật, phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt, cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.
Về nhiệm vụ phòng không nhân dân, Dự thảo Luật quy định lực lượng phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không. Hiện nay, lực lượng phòng không nhân dân đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000m.
Vì vậy lực lượng phòng không nhân dân đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m.
Về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân (Điều 13), hiện nay, một số cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có tổ chức lực lượng tự vệ đã tổ chức lực lượng tự vệ phòng không, có trang bị, quản lý, hướng dẫn về phòng không nhân dân của cơ quan quân sự địa phương. Quy định về tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp tại dự thảo Luật nhằm bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho lực lượng tự vệ, không làm phát sinh chi phí tuân thủ; đồng thời, việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện lực lượng này gắn liền với việc huấn luyện tự vệ của doanh nghiệp. Dự thảo Luật quy định chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có tổ chức lực lượng tự vệ thì tổ chức lực lượng phòng không nhân dân ở đó.
Trên cơ sở ý kiến Đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý các khoản điểm cho thống nhất như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng cho biết, ngoài các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến khác của Đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật lập pháp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật và trong hệ thống pháp luật.