Tại phiên họp, kết quả biểu quyết cho thấy, có 443/456 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,48% tổng số ĐBQH. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, công đoàn là “tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động”, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do vậy, việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cần phải được quy định bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nhưng cũng phải bảo đảm thu hút người lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn của quá trình phát triển.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại Điều 5 của dự thảo Luật về việc thành lập, gia nhập Công đoàn của người lao động Việt Nam và việc gia nhập Công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm có giải pháp đồng bộ, phát huy bản chất, vai trò, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, tổ chức Công đoàn trong kỷ nguyên mới như ý kiến ĐBQH.
Về điều kiện gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, khoản 5 Điều 4 quy định “Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”, bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Đối với người lao động là công dân nước ngoài khi gia nhập Công đoàn thì không được ứng cử, nhận đề cử làm cán bộ công đoàn và chỉ hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
Về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến của đại biểu, đề xuất của Cơ quan soạn thảo và tiếp thu ý kiến của Chính phủ, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo toàn hệ thống Công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung thẩm quyền của công đoàn ngành Trung ương và tương đương trong việc công nhận tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam tại khoản 2 và chỉnh lý khoản 3 Điều 6.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, có giải pháp phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện; bổ sung quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình thẩm tra, xác minh chặt chẽ tính hợp pháp, tuân thủ pháp luật của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp cũng như tư cách và điều kiện của các thành viên khi gia nhập Công đoàn.