Công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Điều đó đã được chỉ rõ trong các báo cáo của Chính phủ, được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phân tích, nhận định qua các kỳ họp Quốc hội.
Đặc biệt, tại các kỳ họp, các ĐBQH đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những vấn đề bức thiết như: Giải quyết đất ở, đất sản xuất; quan tâm phát triển hạ tầng; tạo sinh kế; giải quyết việc làm; đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng… đã được đưa ra thảo luận kỹ để tìm giải pháp.
Trên cơ sở xác định rõ trọng tâm lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc cần có sự đột phá mới để phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi; với sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, trực tiếp giao cho Ủy ban Dân tộc, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019) Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Và dù điều kiện ngân sách còn hạn chế, nhưng ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với 100% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành. Điều này cho thấy quyết tâm, sự đồng lòng vì sự phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi.
Là một đại biểu đại diện cho cử tri nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà phần lớn đồng bào DTTS “sống trên đá, chết vùi trong đá” và suốt đời bám đá để giữ biên cương, ĐBQH Vương Ngọc Hà (Hà Giang) khẳng định, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, là cơ hội lớn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển; là mơ ước của hàng vạn hộ gia đình nghèo, cả người DTTS và người Kinh sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đang rất khó khăn, bởi đồng bào sẽ có cơ hội giải quyết được những khó khăn mà có những vấn đề tưởng chừng như không có lối mở.
ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) tin tưởng rằng, Chương trình MTQG sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực cho đời sống của người dân. Mục tiêu lớn nhất và quan trọng nhất của Chương trình là phải tạo ra được việc làm cho người dân một cách bền vững, thay đổi tư duy canh tác để người dân có thu nhập ổn định…
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, là quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Chương trình sẽ là cơ hội mới để vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ xác định, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới. Một trong những giải pháp đặt ra được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu lên, là triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, bao trùm; triển khai hiệu quả các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.