Quê tôi - thung lũng rộng dài, vòng tay thân ái, đoàn kết của anh em các dân tộc kết thành cái nôi lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú. Cứ sau mỗi dịp Tết là nô nức những ngày hội của bản, của mường: những ngày hội với dập dờn váy xòe từ những đường chỉ thêu tinh tế của những cô gái khéo léo miền rừng; với ngân xa tiếng hát đối, réo rắt khèn môi. Ngay trong từng hành động, từng lời người già nói, từng câu truyện cổ tích, từng chi tiết trong ngày đám ma, đám hỏi… của người vùng cao đều có ý nghĩa và chứa đựng nét đẹp văn hóa dân tộc.
Thời hội nhập, chúng ta không khỏi lo lắng về việc phai nhạt vốn văn hóa và cần thiết phải bảo lưu, khuyến khích Nhân dân gìn giữ, phát triển nét đẹp vốn có trong đời sống của mình. Tôi từng đọc ở đâu đó câu nói “một người già chết đi, chúng ta như đã chôn một thư viện quốc gia”. Quả thế! Ở quê tôi, những cụ ông, cụ bà móm mém, mắt hằn vệt chân chim tuy không biết tiếng phổ thông nhưng có thể kể chuyện cổ tích ròng rã cả tuần không hết; có thể hát những làn điệu cũ của dân tộc mình bằng tất cả lòng say mê xuất phát từ tâm thức qua từng đêm dài bên bập bùng bếp lửa. Tiếc rằng, lớp trẻ như chúng tôi không còn mấy người học và biết tiếng dân tộc mình, để đi đến, để ghi chép lại, để lưu giữ những hạt ngọc từng lung linh trong đời sống tinh thần cha ông mình. Tìm về với bản sắc văn hóa dân gian, ấy là một hành trình dài, cần đến ý thức và sự góp công của những người thực sự yêu cội nguồn, gắn bó với vùng đất, con người xứ núi. Không đơn thuần chỉ là dựng lại những ngày hội, biểu diễn vài điệu múa, khua trống, thổi khèn đã là bảo lưu nền văn hóa.
Nói đến văn hóa các dân tộc là nói đến những gì tinh túy nhất, nhân văn nhất, chất phác nhất trong tâm hồn người miền núi. Tôi cảm nhận được nét độc đáo ấy qua “then”: hiểu được quan niệm về thế giới khác, về hồn phách của đời sống tâm linh dân tộc Thái; về tục ăn cơm mới mà rất nhiều dân tộc đều có; hay đơn giản chỉ là bộ xà tích, chiếc khăn piêu trên đầu người thiếu nữ…
Một tín hiệu đáng mừng là ngay trong thời kỳ hiện đại, vẫn còn những người hết lòng tìm về với bản sắc, dành phần lớn thời gian đời mình đến với dân chúng, tìm hiểu và ghi chép lại những nét độc đáo ấy, để chúng ta có thể biết được qua các trang sách báo; để những ngày hội văn hóa, những cuộc thi đàn tính tiếp tục nối dài. Thế hệ sau vẫn háo hức học câu hát đối, háo hức so dây đàn nhờ ông bà dạy, nghe truyện cổ nhớ đến nguồn cội của mình. Và như thế, nét đẹp văn hóa dân gian sẽ còn được bảo lưu, được trân trọng.
Quê tôi vùng Tây Bắc, đến đầu dốc, thấy những hẻm núi uốn lượn như vệt đuôi rồng, xa xa vang tới lời hát giao duyên. Chợt thêm yêu quê mình, nơi màu xanh đại ngàn rải hút tầm mắt; nơi ngựa ô vẫn lục lạc khua vó gõ vào chiều; nơi thắng cố vẫn nghi ngút khói buổi chợ phiên và là nơi bất cứ lần nào về, tôi cũng khẽ khàng gọi: quê hương ơi!