Sơn La hội tụ
Sơn La những ngày tháng Tám lịch sử, cùng với không khí hào hùng, thiêng liêng, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc đã diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa sâu sắc.
Là người con của mảnh đất Điện Biên Anh hùng, nghệ nhân Giàng A Đô, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Được tham gia Ngày hội không chỉ là niềm vinh dự với tôi mà còn với các thành viên trong đội khèn xã Mường Toong. Với sự đa dạng về văn hóa các dân tộc, Ngày hội VHTTDL thực sự là nơi để các nghệ nhân được giao lưu, gặp gỡ, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.
Đến với Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, nhiều người đã bày tỏ sự phấn khởi, khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc thông qua 280 tác phẩm ảnh được trưng bày tại triển lãm. Mỗi bức ảnh đều mang đậm một sắc thái riêng của mỗi tỉnh, mỗi dân tộc vùng Tây Bắc trong quá trình hội nhập và phát triển. Qua đó, du khách có cảm nhận và hiểu biết thêm về những địa danh và văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Song song với triển lãm trên, Triển lãm ảnh “Cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc” cũng đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng. Cụ thể như: không gian trưng bày giới thiệu văn hóa, tập tục của đồng bào; giới thiệu và trình diễn nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động sản xuất, các vật dụng sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, du khách tham gia Ngày hội còn được xem các nghệ nhân trình diễn nấu các món ăn truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc, thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng…
Lan tỏa văn hóa vùng phên dậu của Tổ quốc
Phát biểu tại khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc (vào ngày 18/8), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội nhấn mạnh: “Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước-là vùng phên dậu của Tổ quốc. Tây Bắc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ và hùng vĩ, là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em. Người dân Tây Bắc hiền hậu, chất phác mà anh dũng, kiên cường và thủy chung, son sắt. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện qua trang phục, qua lễ hội, qua các làn điệu dân ca dân vũ, văn hóa ẩm thực… góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”.
Những giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc Tây Bắc không chỉ được tái hiện trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội, mà những làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc sẽ luôn được ngân vang ở khắp bản làng, trong các sinh hoạt cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo thành sức mạnh, gắn chặt tình đoàn kết của đồng bào Tây Bắc với đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao, ý thức bảo tồn phát huy, tôn vinh các giá trị tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Đồng thời, góp phần quảng bá tiềm năng về văn hóa, du lịch của các tỉnh Tây Bắc... ”
Tối ngày 18/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 14, năm 2019 đã chính thức được tổ chức. Ngày hội diễn ra từ ngày 18-20/8 với sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào các dân tộc 7 tỉnh vùng Tây Bắc. Ngoài phần Lễ, Ngày hội gồm hoạt động chính: văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, ẩm thực, các hoạt động tuyên truyền, cổ động…
Tới dự và chung vui với đồng bào, thay mặt lãnh đạo UBDT, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đã tặng quà cho 7 tỉnh tham gia Ngày hội, gồm: Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ.
HỒNG MINH