Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Trị tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Minh Thu (thực hiện) - 05:39, 11/11/2022

Nhiều năm nay, nhằm động viên khuyến khích đội ngũ Người uy tín phát huy vai trò là "cầu nối", là "điểm tựa" của đồng bào DTTS ở các bản làng, tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm triển khai kịp thời các chính sách chăm lo đối với đội ngũ Người có uy tín. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị về vấn đề này.

Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị
Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

Trong những năm qua, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị đã và đang tiếp tục có những bước chuyển tích cực. Kết quả này, được nhìn nhận có sự góp sức của Người có uy tín trên địa bàn. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 191 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, Người có uy tín đã thể hiện vai trò là cầu nối quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào các DTTS thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ gìn khối Đại đoàn kết dân tộc.

Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, luôn gương mẫu đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động dòng tộc, người thân và người dân ở thôn, bản xóa bỏ dần các hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vận động Nhân dân lao động sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đấu tranh với các âm mưu gây chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, hưởng ứng và tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại thôn bản, bảo vệ đường biên, cột mốc...

Ông Đinh Văn Nhân - Phó Trưởng phòng Chính sách - Tuyên truyền, Ban Dân tộc Quảng Trị thăm, động viên Người có uy tín thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa
Ông Đinh Văn Nhân - Phó Trưởng phòng Chính sách - Tuyên truyền, Ban Dân tộc Quảng Trị thăm, động viên Người có uy tín thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa

 Xin bà cho biết việc thực hiện chính sách đối với Người có uy tín được Ban Dân tộc Quảng Trị triển khai như thế nào?

 Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp UBND các huyện vùng đồng bào DTTS thực hiện quy trình bình chọn, rà soát từ cộng đồng thôn bản, đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận Người có uy tín hằng năm. 

Ban cũng đã thực hiện kịp thời chính sách cung cấp thông tin cho Người uy tín, thông qua việc cấp Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Quảng Trị. Hỗ trợ, động viên tinh thần Người có uy tín khi ốm đau/Người có uy tín hoặc thân nhân Người có uy tín qua đời.

Bà Hồ Thị Lệ Hà trao Giấy khen cho ông Ăm Hùng - Người có uy tín thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa
Bà Hồ Thị Lệ Hà trao Giấy khen cho ông Ăm Hùng - Người có uy tín thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa

 Trong quá trình tham mưu, triển khai thực hiện chính sách đối với Người uy tín trên địa bàn, Ban Dân tộc có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa bà?

 Mới đây, chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều cuộc rà soát, đánh giá, kiểm tra lại chính sách đối với Người uy tín, qua phân tích tỷ lệ thành phần, tuổi đời Người có uy tín giai đoạn 2011 - 2021 và hằng năm cho thấy, có đến 44,8% tổng số lượt Người có uy tín là già làng được bình chọn, với độ tuổi trung bình trên 63 tuổi. 

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người chủ yếu dùng những kinh nghiệm và hiểu biết đã cũ, ngại cập nhật thông tin mới, nên khó tiếp cận được với lớp người trẻ; sức khỏe kém, khó đi lại trong các tổ, xóm dân cư (đặc biệt các thôn bản sau sáp nhập có địa bàn rất rộng). Việc già hóa độ tuổi làm cho đội ngũ Người có uy tín, có nhiều biến động hằng năm (số lượng người phải thay thế do sức khỏe yếu), dẫn đến thiếu ổn định, người mới phải mất nhiều công sức thâm nhập với quần chúng.

Số lượng Người có uy tín là đảng viên chiếm tỷ lệ thấp (6%/tổng số) dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp hành động giữa Bí thư Chi bộ Đảng ở thôn, Trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể với già làng, trưởng bản, Người có uy tín. 

Ông Hồ Văn Thủy - Người có uy tín thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, trao đổi thông tin với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay (BĐBP Quảng Trị)
Ông Hồ Văn Thủy - Người có uy tín thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, trao đổi thông tin với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay (BĐBP Quảng Trị)

Ngoài ra, số lượng Người có uy tín có điều kiện về kinh tế có thể hướng dẫn giúp đỡ đồng bào, được đồng bào tín nhiệm nghe và làm theo, như người sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, chỉ có 3,8% tổng số Người có uy tín, dẫn đến hiệu ứng tiên phong lan tỏa trong hướng dẫn cộng đồng phát triển sản xuất còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, còn chồng chéo, chưa kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phát huy vai trò của Người có uy tín. Tiêu chí, đối tượng, điều kiện về phân cấp quản lý Người có uy tín đối với cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện chưa được quy định, nên việc thực hiện chính sách còn một số điểm trùng lặp trong thực hiện...

Bà Hồ Thị Lệ Hà trao đổi với Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại xã Đakrông, huyện Đakrông
Bà Hồ Thị Lệ Hà trao đổi với Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại xã Đakrông, huyện Đakrông

Ban Dân tộc đã có kiến nghị, đề xuất gì với tỉnh, với Trung ương để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của Người có uy tín trong tình hình mới, thưa bà?

Trước những khó khăn, vướng mắc như đã nêu, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương quan tâm điều chỉnh các điểm khoản, điều quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bổ sung Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn Người có uy tín theo phân cấp quản lý Trung ương, tỉnh, huyện, xã; tiêu chí quy định cụ thể về lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS để thực hiện bảo đảm về đối tượng tại nội dung Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của Người có uy tín - Dự án 10 Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Ban hành Quy định về Tiêu chí xác định Tết của các DTTS. Ban hành Chương trình phối hợp công tác giai đoạn và hàng năm, văn bản liên tịch hướng dẫn thực hiện chính sách Người có uy tín giữa Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện.

 Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.